Những chiếc điện thoại thông minh (smart phone) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của lớp người hiện đại, nhất là đối với các nam thanh nữ tú.
Điện thoại thông minh có thể trở thành nguồn nhiễm khuẩn. Ảnh: Internet. |
Nhưng theo nhà vi sinh vật Gerba thuộc Đại học Arizona (Mỹ), tổng lượng vi khuẩn bám trên bề mặt điện thoại thông minh gấp nhiều lần so với cần gạt toilet.
Trong đó, đáng chú ý là các loại vi khuẩn đường ruột có thể sống trên điện thoại ít nhất là một tháng, nếu sau khi sử dụng điện thoại mà không tiến hành sát khuẩn hai tay trước khi ăn uống hoặc lau mặt, người dùng rất có thể bị nhiễm khuẩn.
Cũng liên quan tới độ bẩn của điện thoại di động, kết quả hóa nghiệm điều tra đối với 393 người và điện thoại di động của họ do Viện Y tế và Y học Nhiệt đới Luân Đôn (Anh) tiến hành cho thấy có tới 92% số điện thoại di động và 82% tay người sử dụng điện thoại di động bị nhiễm khuẩn.
Bình quân cứ 6 chiếc điện thoại di động thì 1 chiếc nhiễm vi khuẩn E. Coli gây bệnh tiêu chảy và 20% nhiễm tụ cầu khuẩn S. aureus có khả năng chống lại chất kháng sinh rất cao.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Hồng Công Lao Vĩnh Lạc, kết quả nghiên cứu cho thấy con người vẫn chưa làm tốt việc vệ sinh hai tay. Ngoài điện thoại, chuột và bàn phím máy tính cũng là nguồn truyền nhiễm vi khuẩn vào tay người.
Do đây đều là những vật dụng hàng ngày con người phải tiếp xúc nhiều, đặc biệt là đối với các đầu ngón tay, nên chúng ta cần phải nâng cao ý thức vệ sinh tay bằng xà phòng, nước rửa, cồn hoặc dung dịch diệt khuẩn…
Hà Ngọc