Để chuẩn bị cho việc thông qua dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trong những ngày tới, Chính phủ vừa có báo cáo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự luật. Trong đó có đề xuất điều chỉnh lại tỉ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ.
Trong dự thảo Luật BHXH trình Quốc hội vào đầu kỳ họp thứ 7, Chính phủ đề xuất: Người lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường sẽ hưởng mức lương hưu bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ.
Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%. Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm.
Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.
Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu, nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.
Đề xuất nêu trên của cơ quan soạn thảo không tạo được sự đồng thuận của đại biểu Quốc hội, bởi tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi, nữ là 60 tuổi, nhưng mức hưởng lương hưu trong giai đoạn đầu chênh lệch quá lớn.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ yêu cầu ban soạn thảo chủ trì xem xét điều chỉnh quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ.
Theo đó, Chính phủ thống nhất hướng tiếp thu và chỉnh lý trong dự luật như sau: Lao động nam đóng 15 năm BHXH được hưởng tỷ lệ lương hưu là 40%. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 1%. Lao động nam cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Còn tỷ lệ hưởng lao động nữ giữ nguyên như dự luật.
Như vậy, dự luật chỉnh lý đã tăng tỷ lệ lương hưu của nam từ 33,75% lên 40% và giảm tỉ lệ tăng thêm năm đóng BHXH của đối tượng này từ 2,5% xuống 1% trong giai đoạn đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Với điều chỉnh trên, Chính phủ khẳng định, vẫn đảm bảo kế thừa được quy định tính tỉ lệ lương hưu của pháp luật hiện hành, chỉ bổ sung quy định về tính tỉ lệ hưởng lương hưu đối với các trường hợp luật hiện hành chưa có quy định. Cụ thể ở đây là đối tượng đủ 15 năm đến 19 năm đóng BHXH.
Với phương án trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cho rằng, dự báo số tiền chi trả từ quỹ BHXH cũng sẽ tăng lên so với phương án trình trước đó. Tuy nhiên, ước tính theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH thì số đối tượng chịu tác động không nhiều, dự kiến gần 7.000 lao động nam, tác động đến quỹ BHXH không lớn.
Trước đó, tại các buổi lấy ý kiến góp ý của công đoàn về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), đại diện công đoàn cơ sở và người lao động có góp ý về việc đảm bảo công bằng tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ khi đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm.
Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 64 dự thảo thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi). Trong khi đó, tại Khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính mức lương hưu hàng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ) là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho lao động nam. Vì vậy, đề nghị xem xét sửa theo hướng điều chỉnh mức hưởng lao động nam đóng 17 năm, nữ đóng 15 năm thì được hưởng 45% lương; nam đóng 32 năm thì hưởng đủ 75% lương. Điều này hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ.