Sát cánh cùng F0
Giữa tháng 8/2021, số ca F0 vượt ngưỡng, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép bệnh nhân được điều trị tại nhà. Trước thực trạng đó, dự án “Bệnh viện tại nhà” của anh Nguyễn Tuấn Khởi và nhóm bạn trẻ tại thành phố đã đi vào hoạt động nhằm cung cấp, mượn máy tạo oxy, bình oxy và tặng thuốc miễn phí hỗ trợ cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc điều hành của dự án này kể, hai tuần cuối tháng 8 là hai tuần làm việc thâu đêm suốt sáng của 150 thành viên là y, bác sỹ, tình nguyện viên của nhóm với vài trăm ca/ngày. Tuy nhiên, thời điểm khởi đầu nhóm chỉ có 2 xe cấp cứu, 500 bình oxy, 300 máy tạo oxy cá nhân. Tính đến nay, dự án “Bệnh viện tại nhà” đã chăm sóc cho hơn 5.000 trường hợp F0. Cùng với các trạm y tế lưu động, trạm y tế phường xã, “Bệnh viện tại nhà” cũng phối hợp với địa phương để hỗ trợ bệnh nhân điều trị trực tiếp tại bệnh viện.
Theo chị Lê Cẩm Tú, một bệnh nhân mượn máy tạo oxy chia sẻ, chị không may mắc COVID-19, sau khi gọi lên tổng đài, nhóm đã không ngại khó khăn liên tục hỗ trợ, giúp đỡ. Nhóm còn cho mượn máy tạo oxy và máy đo Sp02 hoàn toàn miễn phí. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, việc làm của nhóm rất đáng trân trọng. Mong rằng sẽ có nhiều đơn vị cùng đồng hành để dự án của nhóm có thể nhân rộng và giúp đỡ thêm được nhiều bệnh nhân.
Cũng ra đời vào thời điểm dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, tháng 8/2021, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhóm bạn bè thân thiết, trong đó có nhiều bác sỹ quyết định thành lập một nhóm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà có tên “Nhóm thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong, nhóm hoạt động dưới mô hình Telemedicine (khám chữa bệnh từ xa) với mong muốn hỗ trợ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, giúp các bệnh nhân F0 có một chỗ dựa tin cậy, vững chắc để chiến đấu với dịch bệnh. Nhóm có hơn 80 bác sỹ các chuyên khoa và hơn 100 tình nguyện viên làm ở các khâu kết nối với bệnh nhân, bác sỹ, y tế địa phương, mua và chia thuốc, vận chuyển thuốc và oxy…
“Tôi không phải bác sỹ nhưng tôi may mắn có nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người quen là các bác sỹ, họ đã hỗ trợ, tham gia nhóm rất tích cực. Không chỉ làm công tác thiện nguyện, nhóm còn tổ chức những buổi phổ cập kiến thức y khoa, đặc biệt là các kiến thức về dịch bệnh để các tình nguyện viên dù trong ngành nghề nào cũng có thêm hiểu biết để bảo vệ mình và giúp đỡ người khác”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong nói.
Gia đình anh Đặng Văn Lập ở khu phố 22 (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) là một trong hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà đã nhận sự hỗ trợ từ nhóm của thầy Hồ Thanh Phong. Anh Lập kể, cuối tháng 9/2021, cả nhà anh 15 người đều dương tính với SAR-CoV-2. Trong khi y tế phường chưa thể hỗ trợ vì quá tải, anh lên mạng xã hội tìm sự hỗ trợ rồi liên hệ với nhóm của thầy Phong, ngay lập tức, anh được nhóm tiếp nhận, cử bác sỹ theo dõi sức khỏe cả nhà, hướng dẫn cách tự chăm sóc và sử dụng thuốc. Đến khi người lớn tuổi nhất trong nhà là ba của anh Lập có dấu hiệu chuyển nặng, nhóm cử thêm một bác sỹ chuyên khoa hô hấp hướng dẫn điều trị, đem đến bình oxy, máy trợ thở.
“Trong quá trình điều trị, nhờ có nhóm của bác sỹ Phong mà nhà tôi có bác sỹ theo dõi, đưa bình oxy. Chỉ có ba tôi tình hình không khả quan nên đưa đi bệnh viện, trong đó, nhóm cũng hỗ trợ tìm bệnh viện, liên hệ và điều xe cấp cứu giùm cho gia đình tôi một cách kịp thời”, anh Đặng Văn Lập chia sẻ.
Ổn định tâm lý cho bệnh nhân
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm của “Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành chỗ dựa vững chắc cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Nhóm chỉ có gần 20 tài xế không chuyên nhưng mỗi ngày phải chạy hơn 70-80 đơn thuốc, oxy… đến từng bệnh nhân, dù di chuyển khó khăn, tiếp cận bệnh nhân hạn chế nhưng tất cả các thành viên đều luôn cố gắng để sớm hỗ trợ bệnh nhân một cách nhanh nhất có thể.
Mặc dù không xuất phát từ chuyên môn về y tế nhưng trải qua quãng thời gian gần 5 tháng hỗ trợ người dân trong “cơn bão” của COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong vẫn luôn có những tâm tư, trăn trở cho công tác phòng, chống dịch. Theo ông, việc chống dịch COVID-19 không chỉ là phòng, chống nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19, tăng cường giãn cách mà còn là chống không để người dân kiệt quệ sức khỏe, suy sụp tinh thần. Đến nay, số ca F0 mà nhóm thầy Hồ Thanh Phong đã giúp tư vấn, khám, hỗ trợ chuyển viện là hơn 4.500 ca, số được hồi phục ghi nhận hơn 2.600 ca. Bên cạnh đó, nhóm còn hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho bà con khó khăn ở 11 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi toàn thành phố từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nhóm của thầy vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình trong quá trình giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Hoạt động không mệt mỏi của nhóm đã được sự ủng hộ của chính quyền thành phố, Sở Y tế, điển hình là việc triển khai thí điểm mô hình hoạt động “Chương trình SpO2 tại nhà” trên các địa bàn Quận 6, Quận 10, quận Bình Tân từ ngày 6/11 đến hết ngày 31/12. “Điều này để thấy những nỗ lực, đóng góp của chúng tôi phần nào đã hiệu quả và được ghi nhận. Với phương châm “Nếu biết sẽ giúp đến cùng”, nhóm sẽ làm hết khả năng có được để hỗ trợ cho bà con, người dân trên địa bàn thành phố”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Thanh Phong chia sẻ.
Theo bác sỹ Ngô Văn Công, phụ trách Bệnh viện điều trị COVID-19 huyện Củ Chi, những nhóm tình nguyện hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà đã góp phần nhiều vào công tác điều trị chung của y tế địa phương, đồng thời luôn là hậu phương vững chắc bên cạnh người bệnh nâng đỡ cả về sức khoẻ lẫn tinh thần. “Mô hình này đóng góp rất nhiều vào công cuộc phòng chống dịch nói chung và thành phố nói riêng. Theo đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có thể gọi tới tổng đài bất cứ khi nào cần nhằm giải đáp thắc mắc, yêu cầu đồng thời bệnh nhân còn được các bác sỹ của các nhóm quan tâm, hỗ trợ điều trị cơ bản”, bác sỹ Ngô Văn Công nói.
Ra đời từ khi Bộ Y tế cho phép F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều trị tại nhà, các mạng lưới thiện nguyện hỗ trợ các F0 này ngày càng quy mô và hiệu quả. Hoạt động này đã hỗ trợ cho bệnh nhân cả về sức khỏe lẫn tinh thần, cho các F0 có một chỗ dựa tin cậy, vững chắc để chiến đấu với dịch bệnh. Trong quá trình hỗ trợ, có những bệnh nhân vượt qua được, có người đã ra đi mãi mãi nhưng ai cũng rất cảm động bởi các nhóm tình nguyện viên, các bác sỹ đã cùng họ đi đến hết chặng đường.
Bài cuối: Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao