Chuyện thường ngày của người dân ở Ngọc Hồi, Kon Tum. Ảnh: cand.com.vn |
Bên cạnh đó, chính quyền huyện Ngọc Hồi tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hệ thống cáp treo người dân tự chế trên địa bàn và tiến hành tháo dỡ triệt để; tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm khi tham gia trên những hệ thống cáp treo không an toàn; vận động người dân tự tháo dỡ, không để tình trạng người dân qua sông, suối bằng cáp treo tự chế.
Thời gian gần đây, tại thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi xuất hiện hệ thống cáp treo tự chế của người dân để vượt sông Pô Kô. Hệ thống cáp treo này được người dân tự chế chỉ với hai đầu sợi dây cáp được buộc vào hai gốc cây đã khô mục, một bên cao và một bên thấp.
Nếu người dân muốn sang sông chỉ cần đu mình trên ròng rọc được gắn trên dây cáp, ròng rọc sẽ tự chạy sang bên kia sông; di chuyển theo chiều ngược lại thì dùng một dây cáp khác. Mỗi lần đu cáp như vậy có thể chuyển từ một đến hai người hoặc hai bao nông sản qua sông.
Những người dân ở đây cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đu dây cáp treo để đi làm hoặc vận chuyển nông sản. Thời điểm người dân thường tập trung đu dây qua cáp treo đông nhất là vào buổi sáng khi đi làm và buổi chiều khi đi làm về.
Theo ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi: Cách đó không lâu, chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí xây dựng một cây cầu tạm phục vụ người dân đi lại. Song sự tiện lợi, nhanh chóng của hệ thống cáp treo đã khiến người dân địa phương bất chấp hiểm nguy sử dụng cáp treo để đi lại. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng hệ thống cáp treo trên, nhưng không hiệu quả.
Đây không phải là lần đầu ở khu vực này xuất hiện những chiếc cáp treo tự chế để phục vụ đi lại, vận chuyển hàng nông sản của người dân. Cách đây 6 năm, xã Đăk Nông đã được biết đến bởi có rất nhiều ngôi làng đu cáp treo qua sông. Sau khi được báo chí phản ánh, nhiều nơi đã được cả xã hội chung tay xây dựng cầu treo tạm và cầu treo kiên cố để người dân qua sông.