"Đỏ mắt” trông chờ nguồn tạng từ người hiến

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2007 nhưng điều đó không có nghĩa việc triển khai các kỹ thuật ghép tạng gặp nhiều thuận lợi hơn. Nhiều cơ sở y tế đang “đỏ mắt” chờ nguồn tạng từ người hiến đã chết não.

Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo các chuyên gia y tế, cả nước đang có hàng chục nghìn bệnh nhân mòn mỏi chờ được ghép tạng (tim, gan, thận…). Để có thể đáp ứng nhu cầu này, chỉ có thể trông chờ vào nguồn tạng từ người chết não. Tuy nhiên…

Stress vì quá hy vọng sẽ có nguồn tạng

Gặp PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Phụ trách Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện (BV) Việt Đức, sau 2 tuần anh và các đồng nghiệp thực hiện thành công 4 ca ghép tạng từ 1 bệnh nhân chết não (ngày 14/4), BS Ước hồ hởi thông báo: “Bệnh nhân ghép tim đang ổn định, có thể đi lại được. Sức khỏe của 2 bệnh nhân ghép thận và 1 bệnh nhân ghép gan cũng tiến triển tốt”.

Để có được thành tựu này, toàn bộ cán bộ BV Việt Đức đã phải rất nỗ lực, huy động đến 150 chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời phải tạm dừng đến 100 ca mổ định kỳ để dành trang thiết bị, phòng mổ cho cuộc ghép đa tạng đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, BV đã phải chờ đợi suốt một năm ròng để có thể có được nguồn tạng từ 1 bệnh nhân chết não.

Nhưng vất vả vận động, kiên nhẫn đợi chờ mà có được kết quả đó vẫn là một điều may mắn quá lớn. Không ít lần, PGS. TS Nguyễn Hữu Ước và đồng nghiệp rơi vào trạng thái hụt hẫng, mệt mỏi vì đến phút chót gia đình bệnh nhân chết não đổi ý, kiên quyết không cho tạng nữa chỉ vì quan niệm sợ “chết không toàn thây”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kiểm tra sức khoẻ của bệnh nhân vừa được ghép tim thành công ngày 15/4/2011. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Năm 1992, ca ghép tạng (thận) đầu tiên tại Việt Nam được tiến hành. Đến nay, cả nước mới chỉ thực hiện được gần 400 trường hợp ghép thận, gan, trong đó phần lớn nguồn tạng được lấy từ người cho sống. Số ca ghép tạng mà nguồn hiến từ người chết não rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay.

BS Ước trầm ngâm kể: “Năm 2010, khi một gia đình bệnh nhân nọ đồng ý cho tạng, chúng tôi rất mừng, chuẩn bị bệnh nhân chờ ghép, cho làm tất cả các xét nghiệm cần thiết. 2 ngày trước thời gian dự kiến diễn ra ca ghép, tôi không về nhà để cùng anh em chuẩn bị chu toàn cho ca ghép tim từ người chết não dự kiến là đầu tiên của BV. Nào ngờ, đến phút chót, gia đình bệnh nhân lại quyết định không cho tạng nữa…”.

“Lúc đó, toàn thân tôi chùng xuống, buồn, thất vọng và vô cùng mệt mỏi sau những gắng sức lớn nhưng không có kết quả. Tôi phải xin nghỉ vài ngày để tìm lại trạng thái cân bằng”, BS Ước chia sẻ.

Nhiều “trận đánh” không thể diễn ra

BV 103, thuộc Học viện Quân y, cũng là một trong những đơn vị thực hiện thành công những ca ghép thận, ghép tim đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não (tháng 6/2010). Vì vậy, hơn ai hết, các y bác sĩ nơi đây là người thấu hiểu nỗi nhọc nhằn trong việc vận động các gia đình có người thân chết não hiến tạng.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết: Được thông báo tại Khoa Hồi sức cấp cứu có một nạn nhân chết não, tôi sang ngay để gặp gia đình nạn nhân và giải thích với một người họ hàng: “Khi đã được chẩn đoán là chết não thì cũng có nghĩa là không còn hy vọng sự cải thiện hoặc phục hồi. Chắc chắn nạn nhân sẽ mất trong một thời gian ngắn. Sở dĩ tim vẫn còn đập là do duy trì bởi máy thở và thuốc trợ tim mạch liều cao… Quả thật, nỗi đau và mất mát này là vô cùng to lớn không chỉ với gia đình, không ai mong muốn như vậy cả… Nhưng nếu cái chết của cháu lại có thể cứu sống một vài người khác thì cái chết ấy lại trở thành có ý nghĩa lớn lao. Nỗi buồn của gia đình sẽ phần nào vơi đi khi đem lại được cuộc sống cho người khác…”.

Sau đó, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình đã nhờ người họ hàng này vận động gia đình cháu hiến tạng. Trước nỗi đau mất con quá lớn, người cha của nạn nhân xấu số nọ không thể đồng ý ngay. Nhưng sau nhiều lần nghe phân tích, thuyết phục, cuối cùng thì người cha của nạn nhân đã đồng ý, chấp thuận để các bác sỹ lấy tạng từ đứa con của mình. Đáng tiếc, việc đồng ý của người cha lúc này là quá muộn.

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế:
Bộ Y tế đang hoàn tất những bước cuối cùng của việc xây dựng Dự án thành lập Trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng quốc gia, trước khi trình Chính phủ (dự kiến trong quý 2/2011). Sau khi được thành lập, Trung tâm điều phối hiến, ghép mô tạng quốc gia, sẽ là nơi điều phối giữa người cho và người nhận. Việc tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa cao đẹp của nghĩa cử hiến tạng sẽ được chú trọng với sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội.

Hiện nay, người cần ghép tạng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tạng để ghép. Muốn ghép tạng tại nước ngoài, họ phải chờ đợi rất lâu, với chi phí rất lớn mà đôi khi không bảo đảm về chất lượng điều trị. Trong nước, cũng có người có tới các cơ sở y tế để hiến tạng, nhưng họ cũng yêu cầu “giúp đỡ” một khoản tiền nhất định. “Trong tháng 3/2011, tại BV 103 có 3 bệnh nhân tới để hiến thận, nhưng đề nghị được “giúp đỡ” một khoản tiền. Chúng tôi đã từ chối vì không thể tiếp nhận tạng từ những người hiến tạng kèm “điều kiện” như vậy”, một đại diện của BV 103 cho biết.

Anh Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Việt Đức, xúc động kể: “Tại khoa có không ít cháu bé và bệnh nhân ở độ tuổi lao động đang chờ đợi từng ngày để được ghép tim. Nếu không sớm được ghép tim thì cái chết có thể đến với họ bất cứ lúc nào. Đối với rất nhiều bệnh nhân đang chờ ghép thận cũng vậy, nếu không được ghép thận thì không những phải sống trong trạng thái thấp thỏm mà họ còn phải sống trong cảnh khốn khó, chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền trang trải chi phí lọc máu tới hàng triệu đồng mỗi tuần”.

Vậy nên, vấn đề hiến tạng cứu người đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của xã hội. Mỗi năm, tính riêng ở BV Việt Đức thôi đã có khoảng 1.200-1.300 người chết não không thể phục hồi sự sống do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Nếu thân nhân những người bệnh này vượt qua được quan niệm “chết phải toàn thây” và tình nguyện hiến tạng cho y học thì đây sẽ là nguồn tạng mang lại cuộc sống quý giá cho những người bệnh đang thoi thóp chờ từng ngày được ghép tạng.

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN