Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.
Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân).
Thực tế khảo sát của phóng viên tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho thấy, với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp...
PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội cho rằng: Nhà ở cho công nhân là nhu cầu cơ bản với người lao động để ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này. Nguyên nhân do việc quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng xã hội, nhà cho công nhân chưa thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, lãi suất vạy để đầu tư cho nhà ở xã hội dành cho công nhân còn quá cao, thủ tục rườm rà khiến doanh nghiệp không mặn mà. “Do đó, tôi đề xuất thành lập quỹ đầu tư phát triển nhà xã hội cho công nhân lao động để có nguồn lực triển khai”, bà Bùi Thị An cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tám Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thông tin, sau dịch COVID-19, huyện đã tiến hành tổng rà soát nhà ở cho công nhân thuê trên địa bàn và phân loại sơ bộ chất lượng từng loại nhà.
“Hiện trên địa bàn huyện Đông Anh, tập trung tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long có 800 hộ dân kinh doanh nhà ở cho người lao động. Sau dịch, việc đầu tư cải tạo nhà ở cho thuê cũng đã được chủ hộ cải thiện hơn nhưng vẫn còn những nhà trọ xuống cấp. Có một thực tế là vẫn có lao động muốn thuê những nhà này do giá rẻ để tiết kiệm chi phí”, bà Nguyễn Thị Tám cho biết.
Ông Bùi Dũng, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, từ thực tế rà soát nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng chỉ khoảng 6,8% nhu cầu; còn lại đang thuê ở nhà dân. Lý do, các chủ đầu tư chưa mặn mà với loại hình nhà ở xã hội là do việc thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp. “Do đó, Nhà nước phải có cơ chế ưu đãi hơn mới có thể thu hút đầu tư vào loại hình này. Bên cạnh đó, nhà nước có quy định cụ thể về loại hình cho thuê với công nhân lao động bởi đa phần công nhân di cư thường gắn bó thời gian nhất định với doanh nghiệp”, ông Bùi Dũng cho biết.
Thông qua ý kiến của chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, đại diện đơn vị vận hành khu nhà ở xã hội, đại diện chính quyền cơ sở cũng như tiếng nói của công nhân lao động phản ánh được rõ nét hơn về thực trạng nhà ở cho công nhân; Tính khả thi từ chính sách đến thực tiễn, cũng như có các đề xuất về chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, thiết thực, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiếp cận của công nhân với những khu nhà ở đảm bảo điều kiện sinh hoạt "đạt chuẩn" - nghĩa là được đáp ứng các tiện nghi sinh hoạt cơ bản, đảm bảo an toàn, an ninh, tạo điều kiện để công nhân lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động một cách tốt nhất.