Những ngày này, người dân các tỉnh miền Tây háo hức với niềm vui khi tham gia chương trình “Nhịp cầu ước mơ - Kết nối đôi bờ”, một chương trình truyền hình thực tế được phát sóng hàng tuần trên kênh Let’s Viet do Công ty Number 1 tài trợ.
Không chỉ tạo ra sân chơi văn hóa vui tươi với những phần thi đầy kịch tính, mô phỏng từ cuộc sống khó khăn của người dân khi thiếu cây cầu để qua sông như “Gánh nước qua cầu khỉ”, “Chặng đường chông gai”, “Du kích miền Tây”…, chương trình còn là cơ hội và là nơi mà bạn có thể cảm nhận khát vọng mãnh liệt và sự gắng sức vượt ngưỡng của từng đội nhóm với mong muốn giành chiến thắng, mang đến cho xã của họ cây cầu mới, biến ước mơ thành hiện thực cho cộng đồng nhỏ của mình vốn mong mỏi có được cây cầu bắc ngang sông cho giao thông thêm tiện lợi năm này qua năm khác.
Cây cầu gieo hy vọng
Theo quy định của chương trình Nhịp cầu ước mơ, huyện sẽ cử ra 2 xã để tham gia cuộc thi đấu. Người dân hai xã sẽ thử tài qua các trò chơi và đội nào giành phần thắng sẽ mang về cho xã một cây cầu trị giá khoảng 700 triệu đồng, được khởi công ngay sau cuộc thi. Với xã không giành được chiến thắng, họ vẫn nhận được một phần quà động viên trị giá 50 triệu đồng, được trao tặng trực tiếp cho Quỹ Hỗ trợ người nghèo của xã nhằm phần nào góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Trực tiếp đi khảo sát các huyện xã để lựa chọn vị trí xây cầu nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của đông đảo người dân địa phương, đại diện Number 1 chia sẻ: “Có thực sự trải nghiệm mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả của người dân vùng sông nước miền Tây. Tuy có lợi thế là vùng sông nước, có nhiều kênh rạch tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp, nhưng bà con lại gặp nhiều khó khăn trong hoạt động giao thông đi lại. Vì thế, dù rằng công việc đồng áng ổn định nhưng đời sống người dân ở các huyện vùng sâu cũng chưa được cải thiện nhiều”.
Cây cầu gỗ huyết mạch trên tuyến đường chính của ấp Vĩnh Lợi thuộc xã Vĩnh Trinh đã xuống cấp nghiêm trọng. Do kết cấu làm toàn bộ bằng gỗ, sử dụng đã hơn 15 năm (theo tiêu chí an toàn thì cầu này đã bị cấm lưu thông) nên hiện nay cây cầu đã bị nghiêng hơn 35%. Tuy nhiên do không còn sự lựa chọn nào, trên 2.300 bà con trong xã, đặc biệt là khoảng 400 học sinh của trường Tiểu học Vĩnh Trinh 3 vẫn phải sử dụng cây cầu này để qua lại mỗi ngày.
Gần đó, cây cầu gỗ trên trục đường duy nhất nối 2 xã Vĩnh Hưng và Vĩnh Bình hướng ra trung tâm hành chính huyện, trạm y tế, trường học cũng không khả quan là mấy. Hơn 6.400 người trong xã Vĩnh Bình đang từng ngày phải đối diện với hiểm nguy khi cây cầu gỗ đã mục nát, ọp ẹp và rung lắc dữ dội mỗi khi có người qua lại và không biết sẽ sập lúc nào.
Ông Hai Lê (55 tuổi), trưởng ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Bình chia sẻ: “Cây cầu gỗ của xã đã xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù đã sửa tới, sửa lui hàng chục lần nhưng cũng không cải thiện được gì đáng kể. Sợ nhất là di chuyển qua cầu vào chiều tối, cảm giác tai nạn lúc nào cũng có thể xảy ra vì chỉ cần đi bộ chứ chưa nói đến xe máy chạy qua là cây cầu đã rung lắc dữ dội”.
Cần doanh nghiệp đồng hành, chia sẻ
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Number 1 chia sẻ: “Theo định hướng của công ty, chúng tôi mong muốn đóng góp các hoạt động có ích cho xã hội để góp phần cải thiện cuộc sống của bà con ở những khu vực còn quá nhiều khó khăn”.
Hiểu và chia sẻ với người nghèo, các đối tượng chính sách là một phần trong định hướng hoạt động của Number 1 để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Song với một định hướng riêng: “Trang bị cần câu thay vì cho con cá”, Number 1 hướng đến việc hỗ trợ bà con bằng những giá trị vật chất thiết thực, tạo nền tảng để người dân có nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống và làm ăn.
Những người dân ở Tiền Giang hay nhiều địa phương trên cả nước có địa hình giao thông không thuận lợi, khi có hệ thống kênh rạch, sông suối cản trở thông thương, cũng đều mong muốn có được những cây cầu như vậy. Theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải tại 50/63 địa phương, có tới 7.811 cây cầu cần được xây dựng song đến nay, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xây dựng được 4.145 cây cầu. Nhu cầu xây dựng cầu ở khu vực miền Tây hiện còn đang rất cao, cần lắm sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp như Number 1.