Thời gian gầy đây, hàng loạt vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra. Ông có nhận định thế nào về việc thực tế công tác triển khai đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy?
Trong tư duy làm về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, chi cho đảm bảo an toàn là chi phí mất đi. Doanh nghiệp chưa có tư duy đúng theo yêu cầu mới hiện nay của Đảng và Nhà nước. Cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29 vào ngày 18/9/2013 cũng như các văn bản pháp luật, các chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu phải đánh giá được hiệu quả, tạo ra động lực, tạo ra những thay đổi từ đó cải thiện chế độ làm việc, phúc lợi, quyền lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn đang thực hiện ATVSLĐ ở mức tối thiểu nhằm đáp ứng quy định của pháp luật mà chưa xem xét công việc đó đã đáp ứng việc đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người lao động hay đã cải thiện tốt hơn môi trường làm việc hay chưa.
Trong khi đó, hiện nay, thị trường lao động của nước ta bắt đầu bước sang giai đoạn mới: Người lao động là đối tượng chủ động lựa chọn nơi làm việc hơn là các doanh nghiệp lựa chọn người lao động. Do đó, điều kiện làm việc, các tiêu chuẩn lao động, chính sách cơ bản cho người lao động về tiền lương, đảm bảo sức khỏe, phúc lợi chính là nền tảng để doanh nghiệp thu hút lao động. Doanh nghiệp cần ý thức được điều này.
Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, các doanh nghiệp đều phải triển khai tập huấn cho người lao động các kỹ năng về ATVSLĐ. Công tác này đã được thực hiện hiệu quả chưa, thưa ông?
Tập huấn về ATVSLĐ là biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao, đảm bảo công tác ATVSLĐ, giúp đảm bảo an toàn của doanh nghiệp được tốt hơn, người lao động tự bảo vệ mình tốt hơn.
Tháng hành động ATVSLĐ lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2017 sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động được thông qua và có hiệu lực ngày 1/7/2016 lấy chủ đề công tác huấn luyện. Trong lịch sử, việc giáo dục, đào tạo huấn luyện vẫn là cốt lõi của mọi vấn đề.
Trong công tác an toàn lao động cũng vậy, việc huấn luyện sẽ là giải pháp hiệu quả nhất, quan trọng nhất, rẻ nhất, cần quan tâm nhất, cần trọng tâm nhất. Bản thân các doanh nghiệp cũng rất muốn có những dịch vụ tốt, nhưng nhiều tổ chức chuyên về đào tạo an toàn cũng chưa có sẵn những sản phẩm tốt cả về chương trình, đội ngũ giảng viên với năng lực, trình độ, trách nhiệm… để cung cấp cho doanh nghiệp. Do đó, dù mong muốn được làm tốt, nhưng khi phối hợp triển khai xuống các cấp phụ trách đào tạo về an toàn còn nhiều vấn đề không đáp ứng được nhu cầu đề ra. Sau cùng thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.
Chúng ta đã có những quy định rất rõ ràng, đầy đủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để có thể tự xây dựng mạng lưới huấn luyện của riêng mình. Nếu doanh nghiệp có thể tự đào tạo giảng viên, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia tại chỗ, tự nâng cấp thành những huấn luyện viên an toàn, công tác huấn luyện đào tạo sẽ có những thuận lợi, hiệu quả rõ rệt. Nội dung này trong Luật đã có cơ chế, hiện nay một số tập đoàn lớn cũng đã triển khai theo hướng này.
Để hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp làm được việc này, trước tiên cần một tư duy mới cũng như các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng đội ngũ giảng viên, từ đó giải quyết hiệu quả, linh hoạt hơn những bài toán của doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng tại chỗ thay vì phụ thuộc vào các đơn vị bên ngoài khó kiểm soát về mặt chất lượng đào tạo.
Theo thống kê, số vụ tai nạn lao động ở nhóm lao động tự do đang có xu hướng tăng. Vậy theo ông cần có giải pháp nào để bảo vệ họ khỏi những nguy cơ mất an toàn lao động?
Lao động phi chính thức đang chiếm tỷ lệ rất lớn, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, một mặt phải chính thức hóa nhóm lao động này để họ được bảo vệ tốt hơn.
Hiện nay các chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đầy đủ, tuy nhiên từ chủ trương đến chính sách cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong các quy định của chính phủ đang còn hạn chế.
Thêm vào đó, để bảo vệ tốt hơn cho nhóm lao động tự do, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, có các chương trình quốc gia tập huấn về kỹ năng ATVSLĐ cho nhóm lao động tự do. Ngoài ra cũng cần xây dựng và đưa ra những kỹ năng về tự chăm sóc, điều trị những chấn thương nhỏ, cách chăm sóc sức khỏe thể chất cũng như tinh thần để truyền tải đến người lao động tự do.
Trong thời gian tới, theo ông cần những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo ATVSLĐ?
Về giải pháp tổng thể, trước tiên về mặt chính sách pháp luật cần rà soát để bổ sung. Hiện nay, nếu doanh nghiệp thuê các nhà thầu cung cấp các dịch vụ nói chung cho doanh nghiệp, đến khi xảy ra tai nạn, sự cố ngay tại doanh nghiệp, thì trách nhiệm giữa các bên chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần có những quy định, giám sát chất lượng những hệ thống công nghệ đi kèm theo các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như trong nước ngay từ khi xây dựng. Tránh trường hợp sử dụng các vật liệu, hệ thống công nghệ có khả năng gây ra sự cố, tai nạn, khi đó mới yêu cầu có phương án phù hợp cũng đã muộn. Chính quyền địa phương cũng cần có những phương án phù hợp để kiểm soát từ sớm, không để xảy ra những sự cố về mặt môi trường, an toàn cháy nổ, hay sự cố về hóa chất. Hiện nay chúng ta không chỉ phải đối diện với những nguy cơ truyền thống mà còn đối diện với những vấn đề mới, nguy cơ mới về an toàn sinh học, hạt nhân nguyên tử… thậm chí những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động.
Đặc biệt cần quan tâm tới bố trí nguồn lực cho đảm bảo ATVSLĐ ở các cấp cả về con người, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cũng như tài chính. Chúng ta phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý giỏi về an toàn để quản lý hàng triệu doanh nghiệp trong tương lai và các ngành nghề mới.
Song song với đó, lực lượng lao động cũng cần được quan tâm, đào tạo về kỹ năng an toàn. Văn hóa an toàn là đặc biệt quan trọng, doanh nghiệp không thể bố trí những lao động thiếu ý thức an toàn vào vận hành một hệ thống công nghệ, sản xuất vật liệu mà ở đó, một sự cố nhỏ cũng có thể dẫn đến một thảm họa. Do đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, cần chú trọng ngay từ khâu đào tạo ban đầu, đào tạo không chỉ là chuyên môn mà còn là văn hóa an toàn.
Xin trân trọng cám ơn ông!