Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, có khoảng khoảng 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp , tăng 18,4%. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 940,5 nghìn người, tăng 27,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%.
Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động Phạm Hoài Nam cho rằng, ngoài khó khăn từ môi trường kinh doanh bên ngoài, các doanh nghiệp còn đối mặt với những vấn đề nội tại như quy mô và "tuổi thọ" giảm, năng lực cạnh tranh yếu kém, và khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Doanh nghiệp khó khăn dẫn đến cắt giảm nhân sự, không tuyển dụng mới khiến số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng.
"Tình hình doanh nghiệp khó khăn là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 chưa có sự cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn dao động quanh mức 2,2% như thời kỳ trước dịch COVID-19 xuất hiện", Vụ trưởng Phạm Hoài Nam cho biết thêm.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn duy trì ở mức cao là 8%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,65 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Vụ trưởng Phạm Hoài Nam lý giải: "So với tỷ lệ thất nghiệp chung, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao hơn. Do thanh niên là lực lượng trẻ, nên nhu cầu có việc làm cao hơn các lực lượng khác, vì vậy họ bắt buộc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, họ thường được trang bị các kiến thức tốt hơn với trình độ cao hơn nên có nhiều cơ hội để lựa chọn, vì vậy không tham gia thị trường lao động. Họ có thể không chấp nhận làm các công việc tạm thời thu nhập thấp, mà sẽ trì hoãn để cho đến khi tìm được công việc như ý".
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về thị trường lao động và công bằng xã hội, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tương đối chậm lại, thị trường lao động duy trì tăng trưởng việc làm ở mức trung bình trong dài hạn và tỷ lệ thất nghiệp gần như không thay đổi.