Độc đáo lồng chim Canh Hoạch

Thú chơi chim cảnh ngày càng hấp dẫn và trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với những người có sở thích, đam mê chim cảnh. Chỉ tìm được con chim quý thôi vẫn chưa đủ mà chơi chim còn phải chọn cho con chim một cái lồng tương xứng. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường lồng chim và thú chơi tao nhã nhưng cũng lắm công phu ấy, làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch - xã Dân Hòa - huyện Thanh Oai - Hà Nội luôn sôi động cảnh mua bán và thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở.

Một góc làng nghề Canh Hoạch.

Men theo quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội gần 30km về phía nam. Chúng tôi tìm đến làng nghề làm lồng chim Canh Hoạch. Đây là làng nghề có quy mô sản xuất lồng chim lớn nhất khu vực phía Bắc. Chính sự tinh xảo cùng kỹ thuật làm nghề khéo léo tới từng họa tiết, hoa văn trên những chiếc lồng đã tạo nên sức hút đối với những người chơi chim sành sỏi. Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Huy Tuấn, một cơ sở sản xuất lồng chim kỹ - mỹ nghệ có uy tín lâu năm ở Canh Hoạch. Qua trò chuyện, được biết: Hiện nay, lồng chim làng Canh Hoạch đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và phần nào cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại của Trung Quốc bởi sự sắc sảo của từng họa tiết trên thân lồng, sự uốn nắn chi tiết, tỉ mỉ của người thợ. Sản phẩm lồng chim của Trung Quốc được sản suất bằng công nghệ hiện đại nên có giá thành cao, hơn nữa mỗi chi tiết của lồng chim khi hỏng, gãy đều không thể thay thế được. Trái lại, với những sản phẩm lồng chim ở đây bất cứ chi tiết nào khi hỏng, gãy đều có thể thay thế.

Để hoàn thành một chiếc lồng, người thợ phải trải qua hàng chục công đoạn chính và cần đến sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc: Máy cưa, máy mài, máy khoan, máy hút bụi...

Anh Tuấn cũng cho biết: “Để tạo ra được những sản phẩm cao cấp, đáp ứng yêu cầu của người chơi chim sành sỏi, lồng chim phải đạt đủ yêu cầu: Thân thẳng, đều màu, lắp ráp khít, nan tròn, tre trúc phải khô tuyệt đối, khi vót phải giữ được lớp cật bên ngoài…”.

Trước khi đi vào sản xuất, gia đình anh Tuấn phải cẩn thận sàng lọc từ khâu chọn nguyên liệu: Gỗ làm lồng phải chọn gỗ mít già, lâu năm, không bị sâu mọt, khi ra sản phẩm mới rắn chắc, không bị cong vênh. Tre trúc cũng phải kén loại già. Nếu dùng tre trúc non sẽ bị héo, móp, chất lượng không đảm bảo. Trúc của gia đình anh phải đặt mua của một công ty uy tín trên Cao Bằng, và đã được xử lý, chống mối mọt. Ưu điểm của những chiếc lồng chim ở đây là càng để lâu năm càng rắn chắc và bóng đẹp hơn.

Đến đây mới biết, người chơi chim sành sỏi đặt mua lồng chim cũng phải phụ thuộc vào loại chim họ nuôi để chọn kích cỡ lồng phù hợp với hình dáng và tập tính sinh hoạt của từng loại chim. Có những chú chim quý như chào mào trắng, hoàng khuyên… có giá cao ngất ngưởng, khoảng bảy đến tám mươi triệu đồng thì chủ nhân của chúng cũng không ngại ngần chi ra vài chục triệu đồng mua một chiếc lồng có chạm khắc họa tiết, hoa văn tương xứng. Thông thường, với chim chào mào dáng lồng cao vừa phải, đường kính lồng từ 32 đến 33 cm, chim họa mi đường kính 36 cm, hoặc với chích chòe lửa đường kính phải từ 50 cm trở lên… Việc chọn, đặt mua lồng chim cũng như giá cả của mỗi chiếc lồng chim tùy thuộc vào chất liệu, sở thích của người chơi. Loại hàng sản xuất đại trà có giá thành thấp hơn, từ khoảng vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng một chiếc, ngược lại hàng kỹ - mỹ nghệ lại có giá cao hơn gấp nhiều lần, từ khoảng vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.

Lồng chim Canh Hoạch nổi tiếng đến mức, không chỉ có những người chơi chim cảnh quanh vùng mà nhiều đại gia chơi chim cảnh sành sỏi từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng lặn lội tìm về đặt mua những chiếc lồng ưng ý, có khi phải mất hàng tháng trời chờ đợi vì những họa tiết trên lồng chim đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mỉ. Họ cũng sẵn sàng bỏ ra cả chục, thậm chí đến vài chục triệu đồng để sắm một chiếc lồng chim với cách chơi họa tiết theo đúng tích, chủ yếu là các sử tích Trung Quốc như: Thập bát La Hán, bát tiên (8 ông tiên), cửu long chân châu (9 rồng cuộn), 108 vị anh hùng, vinh qui bái tổ…

Họa tiết 108 vị anh hùng được những nghệ nhân chạm khắc tinh sảo


Theo các bậc cao niên trong làng, nghề sản xuất lồng chim Canh Hoạch đã tồn tại từ 300 đến 400 năm nay. Cùng với nghề sản xuất lồng chim còn có nhiều nghề sản xuất thủ công như: Làm quạt, khung nón hay đòn gánh. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều khi đã bị mai một nhưng nghề sản xuất lồng chim vẫn còn duy trì được tới ngày nay. Trong những năm gần đây làng nghề sản xuất lồng chim Canh Hoạch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo cho mình một chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là tạo được uy tín đối với những người chơi chim cảnh sành sỏi.

Bài và ảnh: Quỳnh Như

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN