Những câu chuyện của 60 năm trước đã đi vào lịch sử, giờ đây Cà Mau tiếp tục làm nên nhiều kỳ tích mới, góp phần đưa vùng đất cực Nam Tổ quốc chuyển mình đổi thay.
Huyền thoại “bến cảng của lòng dân”
Nói đến con đường huyền thoại trên biển không thể không nhắc đến bến Vàm Lũng (thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) - điểm cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đầu năm 1960, cùng với phong trào Ðồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Ðáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, trong khi vận chuyển đường bộ trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, quyết sách tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam bộ và Khu 5 được hình thành, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời. Theo đó, từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử đoàn 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế ngụy trang tàu đánh cá từ Bắc vào Nam.
Ðêm 10/4/1962, tàu rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam, đến 22 giờ ngày 18/4/1962 cập vào cửa Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau). Ðường trên biển đã mở, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu, cùng 11 thủy thủ rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng). Ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), chở theo 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn.
Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, hay còn được gọi là “sự kiện tàu Phương Ðông 1”, những chuyến tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3 tiếp theo lần lượt vào Nam, vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Lịch sử ghi lại, tính đến cuối năm 1970, bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược từ tiền tuyến lớn cho chiến trường miền Nam; cùng với các bến khác tại Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt, như chiến thắng Ấp Bắc, Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - Ngụy trên chiến trường miền Nam.
Ngày hôm nay, đứng trên cầu Rạch Gốc, phía bờ Tân Ân, dễ dàng nhìn thấy Nhà tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa - người anh hùng trong cuộc trường chinh mở đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần rất quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong nhà tưởng niệm, ông Tăng Quốc Ðoàn (người cháu ngoại đang thờ tự Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa), hay còn được gọi là ông Năm Tăng, rộn vui kể về những chiến công của ông mình. “Truyền thống dân tộc, gia đình luôn được các thế hệ hun đúc, giữ gìn, tiếp tục phát huy, thêm hăng say lao động, sản xuất để làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng đất nước; nguyện xứng đáng với những thành quả các thế hệ cha ông đã dày công gây dựng”, ông Năm Tăng tự hào chia sẻ.
Bến Vàm Lũng rộng khoảng 100m, luồng nông và thông ra biển Đông. Những năm qua, do tác động của sóng biển và chưa được làm kè bảo vệ nên khu vực hai bên sạt lở khá nhiều, rừng phòng hộ cũng bị tác động. Do luồng vào bến Vàm Lũng nông nên cũng ít tàu, thuyền đánh cá vào, nhất là tàu lớn. Ngư dân trong vùng thường chọn cửa biển Rạch Gốc cách đó hơn chục cây số để vào neo đậu tàu, thuyền. Vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phước tạp, cơ quan chức năng đặt chốt nơi đây để kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào nên ghe ra, vào cũng vắng hơn trước.
Theo những cư dân địa phương, hơn chục năm trở về trước, khu vực Vàm Lũng vẫn có khá nhiều nhà dân sinh sống. Tuy nhiên, do dân sống ở đây không an toàn, nhất là mùa mưa bão; hơn nữa khu vực này nằm trong rừng phòng hộ xung yếu được quản lý nghiêm ngặt nên chính quyền địa phương di dời dân đến nơi an toàn và ổn định hơn. Hiện nay, từ cửa Vàm Lũng vào bên trong hơn một cây số hầu như không có dân ở.
Ông Dương Văn Tâm (ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) đưa chúng tôi đi xem thực tế “bến cảng lòng dân”. Chiếc võ lãi len lỏi theo các con rạch Xẻo Lở, Chùm Rộng, Xẻo Mắm… nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Theo ông Tâm, bên trong những cánh rừng đước này trước đây bộ đội ta cất giấu đạn dược chuyển từ Bắc vào. Khu vực này trước đây chủ yếu là rừng đước, mắm và bần. Thân cây rất lớn và tán rộng, cùng với kênh rạch chằng chịt, địa hình hiểm trở nên đạn dược cất giấu trong rừng rất an toàn. Người dân sống khu vực bến Vàm Lũng hết lòng theo cách mạng. Bức thành trì lòng dân vững chắc đã che chở, đùm bọc cán bộ vượt lên khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Như nhận định của Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 làm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vũ khí ra chiến trường: "Trong những chặng đường hiểm nguy, gian khổ ấy, nếu không được sự yêu mến, đồng lòng góp sức, đùm bọc, chở che của người dân Vàm Lũng, Tân Ân, Rạch Gốc… thì khó có thể giành được chiến thắng”.
Bước chuyển mình đáng tự hào
Cửa Vàm Lũng với vị trí nối biển Ðông với dòng Rạch Gốc, chiếc cầu bắc qua sông không những xóa thế ốc đảo của xã Tân Ân, mà còn kết nối hành trình toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, thể hiện ý chí và khát vọng của dân tộc giữa 2 cung đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên bộ với đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tiếp nối và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Tân Ân ngày nay đã có nhiều đổi thay, diện mạo quê hương từng ngày khởi sắc. Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư và có sự chuyển biến rõ nét qua từng năm. Hiện đường ô tô đã về đến trung tâm xã. Mạng lưới giao thông liên kết giữa các ấp, khóm trên địa bàn từng bước được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tân Ân hôm nay không chỉ có kết cấu hạ tầng thông suốt, những đoàn tàu đánh cá công suất lớn, những đầm tôm siêu thâm canh và gần đây là những công trình điện gió bên bờ biển Ðông đã làm sáng bừng vùng đất rừng, xứ biển vốn một thời cơ cực.
Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó, huyện tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm sinh thái tôm - rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện tổng diện tích đủ điều kiện nuôi tôm sinh thái của huyện đạt trên 19.300 ha; trong đó diện tích được chứng nhận là 9.980 ha. Đặc biệt, tại xã Viên An Đông có 500 hộ nuôi tôm sinh thái đầu tiên đạt chuẩn xanh của tổ chức Seafood Wach.
Huyện cũng kêu gọi, khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 6 doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm siêu thâm canh, qua đó góp phần gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện có 12 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án điện gió; trong đó có 3 dự án đã được cấp phép đầu tư, dự kiến cuối năm 2021 đưa vào vận hành 2 dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư 3 dự án lớn: Nuôi hải sản trên biển công nghệ cao - Hòn Khoai; đầu tư tôm sú sinh thái đạt chứng nhận BAP và Naturland; xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.
Theo ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống những người có công với cách mạng luôn được địa phương quan tâm và thực hiện thường xuyên. Những ngày này, mặc dù địa phương đang tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng vẫn dành sự quan tâm, thăm hỏi, tri ân những cán bộ, chiến sĩ đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển. Phát huy giá trị lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, giá trị di tích bến Vàm Lũng cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ về đến Đất Mũi, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với tham quan, tìm hiểu lịch sử, khám phá vùng đất cực Nam Tổ quốc, qua đó giúp người dân và du khách hiểu nhiều hơn con đường huyền thoại, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Ðường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, con đường huyền thoại, gắn liền ý chí của Ðảng, khát vọng của toàn dân; là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang. Bến Vàm Lũng gắn liền với tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, trở thành “bến cảng của lòng dân”.