Hội nghị thu hút gần gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Các đại biểu trao đổi xoay quanh các vấn đề: Cấp giấy phép; thủ tục xuất, nhập cảnh, tạm trú; việc tính thuế thu nhập cá nhân; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động nước ngoài. Đại diện các doanh nghiệp quan tâm đến các giải pháp, xử lý các tình huống khi dừng hợp đồng đối với người lao động nước ngoài liên quan đến các vấn đề bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác quản lý và thu hồi văn bản liên quan đến giấy phép lao động khi người lao động không trả...
Đại diện Công ty JP Contagi Asia, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric Việt Nam, Chi nhánh Anderson Mori & Tomotsune, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nippon Express (Việt Nam)... đề cập về những thay đổi trong việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo quy định mới. Đại diện Công ty Công ty JP Contagi Asia quan tâm về thủ tục liên quan đến người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia công răng Thời đại Kỹ thuật số trao đổi về hồ sơ xin cấp giấy phép cho lao động là chuyên gia, lao động kỹ thuật...
Liên quan đến lĩnh vực lao động, xuất - nhập cảnh, đại diện Công ty Cổ phần Nissui Lotus Việt Nam, Công ty Luật Roedl And Partner, Công ty Cổ phần Giáo Dục Yola trao đổi về các thủ tục cấp giấy phép lao động cho công dân nước ngoài...
Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế Thành phố, Bảo hiểm Xã hội Thành phố và Phòng Quản lý Xuất - nhập cảnh Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có những câu trả lời trực tiếp, thỏa đáng, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời, cam kết sẵn sàng tiếp nhận các nội dung để hướng dẫn, giải thích cụ thể trong quá trình doanh nghiệp thực hiện thủ tục hồ sơ hành chính tại các sở, ngành thông qua nhiều hình thức trực tuyến, email, trực tiếp...
Từ ý kiến của doanh nghiệp, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố chỉ ra một số nội dung còn bất cập trong quá trình thực hiện liên quan đến quy định về thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam đối với các vị trí công việc dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài là người đại diện theo pháp luật, thành viên góp vốn, các trường hợp di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, quy định về thẩm quyền cấp giấy phép lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Theo ông Lê Văn Thinh, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết, các cơ quan chuyên môn, sở, ngành Thành phố sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe và có giải pháp để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong việc thực thi các quy định. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, các cơ quan sẽ báo cáo với lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo bộ, ngành xem xét, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tế.
"Thống kê cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 30.000 lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã và đang góp phần đáp ứng nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp nâng cao chất lượng lao động và tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho địa phương”, ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Những năm gần đây, các quy định pháp luật liên quan đến người lao động nước ngoài có nhiều thay đổi, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có việc nới lỏng chính sách thị thực, tạo điều kiện thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam; không giới hạn tỷ lệ lao động nước ngoài so với lao động Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp…