Một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) tại ĐBSCL thời gian qua là tình trạng thay đổi chế độ mưa và lượng mưa, gia tăng mực nước biển, triều cường và xâm nhập mặn trên sông lên cao, khiến người dân ở khu vực này thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
Thiếu nước ngọt, thừa nước mặn
Ghi nhận thực tế từ các địa phương ven biển, tình trạng xâm nhập mặn năm nay xuất hiện rất sớm với nồng độ cao và nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2012. Vào cuối tháng 2, trên trạm Trần Đề nằm ở cửa sông Trần Đề (Sóc Trăng), độ mặn đo được là 22,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 là 6,3%. Độ mặn cao như vậy đã làm cho 600 ha lúa trong vụ hè thu của huyện Trần Đề hầu như bị chết, nhiều người dân lâm vào cảnh trắng tay.
Hạn hán, xâm nhập mặn làm hàng trăm ha lúa tại tỉnh Sóc trăng bị thiệt hại nặng. |
Là một trong nhiều hộ nông dân bị mất trắng trong vụ lúa xuân hè ở ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân Hai, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), chị Hồng Kim Màu nhìn vào ruộng lúa đang bị nứt nẻ do không có nước tưới, xót ruột nói: “Không có ruộng nên tôi phải đi thuê 10 công ruộng để làm lấy gạo ăn, đầu tư hết 20 triệu đồng. Mới đầu lúa lên xanh mướt, ai ngờ vài ngày trở lại đây lúa bị vàng và cháy gốc còn đất ruộng thì bắt đầu nứt nẻ. Đến nay lúa đã được hơn 60 ngày rồi mà vẫn không thể trổ đòng”.
Nhiều gia đình gặp “may mắn” hơn, bởi khi mới sạ lúa đã thấy hiện tượng lúa chết nên không tiếp tục đầu tư chăm sóc, chỉ bị thiệt hại phần lúa giống. Còn nhiều hộ nông dân đầu tư gần tới ngày thu hoạch thì... không phát triển nữa, bỏ ruộng cũng không đành, mà tiếp tục chăm sóc thì nắm chắc phần lỗ. Chị Thu Nguyệt, ấp Phú Long, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre than thở: “Hai vụ trước đã mất, tưởng vụ này kéo lại được, ai ngờ còn thiệt hại nặng hơn. Tháng trước, đám lúa còn xanh tốt nhưng những ngày gần đây lúa đã chuyển úa vàng. Tôi cứ nghĩ lúa bị bệnh nên phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa, đến nay lúa đã gần 70 ngày mà càng ngày càng khô và vàng lá”. Chị Nguyệt ngậm ngùi: “Giờ bỏ cũng không đành mà đầu tư thêm thì chắc sẽ còn thiệt hại nhiều hơn. Giá như không phải ruộng đi thuê thì cũng đỡ tiếc hơn, giờ không có lúa để trả nên phải quy ra tiền trả cho chủ ruộng”.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, có khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn mặn trong mùa khô 2013, trong đó có hơn 100.000 ha sẽ bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nhiều đến năng suất. |
Xung quanh ruộng lúa, người dân còn trồng xen rau màu như ớt, hành, bông cải, cải xanh… Thế nhưng, hầu hết những cây rau màu này cũng không đứng vững nổi trước nguồn nước nhiễm mặn. Ông Nguyễn Thành Sa, Phó phòng nông nghiệp huyện Bình Đại (Bến Tre) cho biết: “Toàn huyện đã xuống 1.158 ha, đến thời điểm này đã có 500 ha bị khô hạn, thiếu nước, nhiễm mặn... có khả năng giảm năng suất 70%. Bên cạnh đó, có 30 ha hoa màu bị nhiễm mặn, cho thu hoạch kém, thiệt hại từ 80 - 90%. Với độ mặn này, không những cây lúa, hoa màu bị ảnh hưởng mà ngay cả cây dừa cũng khó thích nghi, bởi mức độ chịu mặn của dừa đã là từ 4 - 6%”.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, có khoảng 300.000 ha lúa ở ĐBSCL bị tác động bởi tình trạng hạn mặn trong mùa khô 2013, trong đó có hơn 100.000 ha sẽ bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nhiều đến năng suất.
“Khát” giữa vùng nước
Tình trạng xâm nhập mặn sớm và độ mặn tăng cao đã khiến người dân khu vực ven biển của các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre) “lao đao” hơn vì thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt trầm trọng. “Do không có tiền để xây bể nên nhiều năm qua cứ vào mùa khô là gia đình tôi lại phải lao đao vì thiếu nước. Ở đây mua một bình nước ngọt trên 20 lít tới 11.000 đồng. Để tiết kiệm, gia đình tôi phải sử dụng nước mặn để nấu ăn và tắm giặt. Đa số nước mặn này được lấy từ các kênh, mương bơm lên rồi đổ vào thùng cho lắng bùn mới dùng được” - chị Nguyễn Thị Mười ở ấp Phú Long, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre, cho biết.
Người dân tỉnh Bến Tre phải sử dụng nước mặn lấy từ các kênh do thiếu nguồn nước ngọt. |
Việc thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt, dù mới bắt đầu mùa khô, ở các địa phương ven biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh... đang diễn ra trầm trọng. Các giải pháp tình thế trước mắt của người dân nơi đây là xây bồn chứa nước, chỉ dám rửa bát một lần trong ngày, sử dụng nước ở kênh để tắm giặt… Dù vậy, mỗi tháng họ cũng mất một khoản tiền không nhỏ cho việc mua nước dùng cho ăn uống. Được biết, một xe nước 3 m3 có giá dao động từ 60.000 - 160.000 đồng tùy vào đoạn đường di chuyển ngắn dài và sẽ còn tăng cao trong mùa cao điểm hạn.
Theo ông Nguyễn Thành Sa, tại huyện Bình Đại còn khoảng 1.000 hộ đang thiếu nước sinh hoạt, do những hộ này nằm ở vùng sâu, vùng xa, hệ thống dẫn nước máy của huyện chưa kéo đến được. Tuy nhiên, nước máy vào mùa này cũng bị nhiễm mặn do nước máy được lấy từ các sông đang có độ mặn cao. Do đó, người dân sử dụng nước mưa trữ trong các hồ để nấu ăn, uống hoặc mua nước ngọt do các xe nước tư nhân mang đến bán.
Còn tại xã Vĩnh Hải - thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mặc dù đã có trạm bơm nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân, bởi các trạm bơm nước này đã xuống cấp và đường ống không đủ để đẩy nước tới được người dân vùng sâu vùng xa. Anh Lý Phước Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty quản lý cấp nước tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Trạm cấp nước xã Vĩnh Hải được xây dựng cả gần chục năm với công suất thiết kế ban đầu là 20 m3/giờ, cung cấp nước cho 400 hộ, nhưng đến nay đã lên tới 800 hộ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cấp trạm bơm này lên công suất 30 m3/giờ để tăng năng lực đáp ứng cho người dân”. Không có đủ nước ngọt để sử dụng, nhiều người dân trong xã phải đổi nước với giá cao để sử dụng.
Trước tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, các tỉnh cũng đã lên kế hoạch ngăn mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nạo vét lại hệ thống kênh mương nội đồng; cung cấp các lu, khạp cho người dân dự trữ nước ngọt và nhiều biện pháp nhằm giảm thiệt hại cho người dân trong sản xuất.
Bài và ảnh: Đan Phương
Bài 3: Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm