Kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10:

Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế

Một trong những hoạt động hiệu quả của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong những năm qua là tạo điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ trên toàn quốc, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn…, được vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ chỗ là trụ cột trong phát triển kinh tế, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũng ngày được cải thiện.

Tổ chức nhận ủy thác vốn nhiều nhất

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tại buổi làm việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam cuối tháng 9/2016 đã khẳng định: Thời gian vừa qua, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức thực hiện tốt nhất việc tín chấp vay vốn.

“Hội LHPN Việt Nam là tổ chức thực hiện tốt nhất việc tín chấp vay vốn” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Trung ương Hội LHPN Việt Nam ngày 21/9/2016.Ảnh: guyễn Dân - TTXVN

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam là tổ chức có số vốn nhận ủy thác lớn nhất của NHCSXH trong số các tổ chức hội, đoàn thể. Các cấp hội đã tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: Thông qua ủy thác với NHCSXH, các cấp hội đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, nhất là các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi và kịp thời, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế, biết khai thác thế mạnh và điều kiện gia đình, địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn sản xuất với thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả.

Tính đến 30/9/2016, Hội LHPN Việt Nam đang quản lý 72.4 Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) với tổng dư nợ đạt gần 60 nghìn tỷ đồng cho 2.652.796 hộ gia đình vay. Những hội viên phụ nữ đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, khi được tham gia sinh hoạt Tổ TK&VV, có cơ hội vượt qua các rào cản về tập quán, thói quen lạc hậu của gia đình, của cộng đồng để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Chị em mạnh dạn thảo luận, học hỏi để nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và phát triển sản xuất. Khẳng định được vị thế kinh tế trong gia đình cũng giúp phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới.

Người “dẫn vốn” hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Tuyết khi đánh giá về những thành tựu trong sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ thực hiện trong nhiệm kỳ XI (2012-2017) đã khẳng định: Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ vay vốn, nâng cao kỹ năng sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Để cùng NHCSXH đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và sử dụng đạt hiệu quả, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở luôn luôn gắn vốn vay với các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường… Các cấp Hội hướng dẫn các hộ vay vốn những kiến thức cơ bản về tài chính vi mô, phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Ở một số địa phương, phụ nữ cùng nhau tiết kiệm vốn quay vòng; thực hiện các mục đích an sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Các nhóm phụ nữ ủng hộ nhau ngày công lao động hoặc kinh nghiệm sản xuất, kiến thức khoa học. Những hội viên vay vốn từ NHCSXH được hướng dẫn tham gia các hợp tác xã, tổ liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng vị thế trong đàm phán, ký kết hợp đồng, nhờ đó tăng giá trị sản phẩm. Cùng với đó, các cấp hội chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ đến các cấp hội cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hội cũng sẽ phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ hội các cấp và Ban quản lý Tổ TK&VV.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hội LHPN Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027”. Đề án được hình thành với mong muốn đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước thông qua thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát huy nội lực, sự năng động và sáng tạo của hội viên phụ nữ.

Mục tiêu của đề án là trong 10 năm (2017 - 2027) sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp cho 300.000 phụ nữ, hỗ trợ vốn cho 2.000 phụ nữ khởi nghiệp; hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Đề án đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt. Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Khi triển khai, chúng tôi lấy phụ nữ làm trung tâm, cụ thể hóa hoạt động trên cơ sở lựa chọn những vấn đề cụ thể đang là mối quan tâm lớn nhất của từng nhóm đối tượng phụ nữ, tạo điều kiện để bản thân phụ nữ phát huy vai trò chủ thể giải quyết vấn đề của mình”.
Tuấn Huy - T.H
Phụ nữ đất Tổ giúp nhau thoát nghèo
Phụ nữ đất Tổ giúp nhau thoát nghèo

Những năm gần đây, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo và thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã giúp hàng nghìn hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN