Họ không những kiên cường, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống mà còn bản lĩnh, sáng tạo và tự chủ trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Cùng đồng hành với hội viên, phụ nữ trên hành trình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã luôn “kề vai, sát cánh” chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, tự tin khẳng định bản thân và làm chủ cuộc sống.
Bà Châu Thị Định, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình cho biết: Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Hội đã quan tâm triển khai, đa dạng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp; sâu sát với địa bàn cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; tích cực xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Các cấp Hội tăng cường vận động, hướng dẫn phụ nữ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất sạch, an toàn, gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)". Đặc biệt, các cấp Hội phụ nữ triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ”; chú trọng phát huy nội lực của phụ nữ, nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Để “tạo đà” giúp chị em hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ Quảng Bình cũng tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; thực hiện quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển. Cán bộ Hội luôn sâu sát thực tế, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ phụ nữ tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật, tập huấn nâng cao năng lực cũng như hỗ trợ kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm trên không gian mạng… cho hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, trong các phong trào, hoạt động, các cấp Hội Phụ nữ luôn sâu sát, quan tâm đến nhóm phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương, hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Cầu Lợi, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) thuộc diện khó khăn, thu nhập không ổn định, khiến cuộc sống gia đình và việc học hành của các con không ít trở ngại. Với ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ vùng cao, chị Bình luôn trăn trở, tìm cách vươn lên thoát nghèo, cố gắng mang lại cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn cho các con của mình. Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ, chồng chị gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi đang loay hoay tìm hướng giải quyết, gia đình chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hóa và chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục vay vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi vườn – ao – chuồng.
Chị Nguyễn Thị Bình nhớ lại: “Thời gian đầu, gia đình chủ yếu chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập rất bấp bênh. Sau đó, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn nên vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư, mở rộng chuồng trại chăn nuôi và mua thêm cây, con giống. Quá trình chăn nuôi, tôi mày mò tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo và các mô hình chăn nuôi có hiệu quả; tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do xã và Hội Phụ nữ các cấp tổ chức. Bản thân vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm và cũng sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết cho chị em phụ nữ có nhu cầu phát triển mô hình chăn nuôi như gia đình”.
Hiện nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Bình đã xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp với gần 100 con lợn, 4 héc ta ao cá, thả nuôi hơn 1.000 cá các loại. Để nâng cao nguồn thu nhập, chị Bình còn mở thêm dịch vụ ăn uống từ những sản phẩm do trang trại gia đình cung cấp. Mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình chị mang lại lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng chị Bình xây dựng được ngôi nhà kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi, các con ăn học đến nơi, đến chốn và có công việc ổn định, chất lượng cuộc sống gia đình được nâng cao rõ rệt.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) Đinh Thị Hà Lan cho hay: “Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Nhờ đó, chị em mạnh dạn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Chị Nguyễn Thị Bình là một hội viên phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của Hội và địa phương. Chị chính là điển hình của người phụ nữ hiện đại, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất và tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn học tập, noi theo”
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa cho biết: Minh Hóa là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Toàn huyện có trên 9.530 hội viên phụ nữ, trong đó trên 1.780 hội viên là người dân tộc thiểu số. Để tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; động viên phụ nữ và nhân dân phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo và thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Hội sẽ tích cực vận động nguồn lực, hỗ trợ mô hình sinh kế; phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế; quan tâm nâng cao kỹ năng thực hiện văn hóa, du lịch cho hội viên, phụ nữ; động viên chị em tham gia chuỗi du lịch cộng đồng (Làng du lịch Tân Hóa); tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm kinh tế và du lịch của địa phương nhằm thu hút du khách đến với Minh Hóa. Từ đó góp phần mang lại thu nhập và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, từ năm 2021-2024, toàn tỉnh có gần 13.500 lượt phụ nữ nghèo được các cấp hội, hội viên, phụ nữ giúp đỡ bằng nhiều hình thức với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng. Các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp tổ chức, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho gần 5.800 phụ nữ, gần 2.180 phụ nữ được giới thiệu việc làm và có thu nhập. Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng và mở rộng nguồn ủy thác, tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... với tổng dư nợ trên 2.170 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 45.150 phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Các cấp Hội cũng duy trì, nâng cao chất lượng 77 nhóm “Tiết kiệm vay vốn thôn bản” với 1.130 thành viên tham gia, tổng số tiền tiết kiệm hơn 13 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập 19 Hợp tác xã; giúp hơn 1.500 hộ phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo; gần 900 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý Hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh được hỗ trợ nâng cao năng lực…
Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình tiếp tục xác định việc hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng tâm trong công tác Hội. Đặc biệt, hoạt động sẽ được triển khai mạnh mẽ theo hướng hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, cấp, nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên, phụ nữ...
Với những cách làm đa dạng, linh hoạt, sát thực với cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình và các cấp hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững, trở thành “điểm tựa” vững chắc cho hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo; là nguồn động viên lớn để phụ nữ tự tin khẳng định vai trò trong xã hội, góp phần đưa phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ trên địa bàn phát triển toàn diện, vững chắc và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.