Đây là chương trình giáo dục lâu dài được tổ chức gắn với các chương trình cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (với phần lớn diện tích nằm trong địa phận tỉnh Ninh Bình) gồm 2 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 là tổ chức vận hành thí điểm Chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp và giai đoạn 2 được mở rộng thêm các chương trình bảo tồn rùa Cúc Phương, bảo tồn thú ăn thịt và tê tê. Trong số này có 4 gói để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn tham gia cùng đồng hành với cán bộ của Vườn Quốc gia Cúc Phương trong nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài là: Gói đồng hành, Kết nối trái tim, Về nhà và Gói đặc biệt.
Đại diện Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, một cá thể động vật được hồi sinh tưởng chừng chỉ là một sự việc rất nhỏ nhưng dưới góc độ thực tiễn nó sẽ góp phần làm hồi sinh quần thể loài trong tự nhiên. Chính những cá thể này sẽ góp phần làm nên sự hồi sinh của một góc rừng và xa hơn là đa dạng sinh học của một cánh rừng, của lá phổi xanh đất nước.
Hiện tại, trong các động vật được hồi sinh lần này có con voọc xám đực khoảng 5 tháng tuổi được cứu hộ vào tháng 11 tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Điều đặc biệt là khi được cứu hộ, con voọc này còn có mẹ bên cạnh (sau đó con voọc mẹ đã chết). Điều đáng quý hơn là hiện tại đàn voọc xám tại Chương trình cứu hộ linh trưởng nguy cấp chỉ toàn là con cái nên con voọc đực này là niềm hy vọng về việc bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm.
Được thành lập sớm nhất tại Việt Nam,Vườn Quốc gia Cúc Phương trong nhiều năm qua đã chăm sóc, chữa trị, phục hồi tập tính và được “tái thả về nhà” hàng ngàn cá thể động vật quý hiếm, qua đó từng bước góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của cộng đồng về hoạt động bảo vệ động vật hoang dã.