Công nhân cần có nhà ở thích hợp sau những giờ lao động căng thẳng. |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, hiện có khoảng gần 700.000 công nhân đang lao động làm việc tại các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn tỉnh, chưa kể số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ do cấp huyện quản lý. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện chỉ có khoảng 5% trong số đó ở tại các khu nhà do các đơn vị sử dụng lao động xây (khoảng 13.000 người), 3% ở tại các khu nhà do các công ty kinh doanh nhà và xây dựng hạ tầng quản lý cho công nhân thuê với khoảng 7.500 người. Số còn lại phần lớn ở trọ tại các nhà ở do các hộ cá thể tự xây cho thuê với hơn 100.000 phòng trọ.
Phần lớn công nhân ở trọ tại các nhà tư nhân cho thuê ở gần các khu công nghiệp của tỉnh cho biết: Mỗi căn phòng rộng khoảng 10 m2 được cho thuê với giá 350.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, chỉ đủ cho 2 người thuê, nhưng có phòng đến 4 người ở chung. Tại một khu phòng trọ ở khu phố 5, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa có tất cả 4 dãy, mỗi dãy 10 phòng nhưng chỉ có 2 dãy có nước máy sử dụng, còn lại dùng nước giếng khoan. Nếu sử dụng nước máy, chủ trọ lấy 4.000 đồng/m³, còn nước giếng thì 2.000 đồng. Qua tìm hiểu những khu nhà trọ ở các phường Long Bình, Bình Đa... hiện còn rất nhiều chủ phòng trọ không tính giá theo quy định khi Nhà nước hỗ trợ giá điện, nước cho người ở trọ, như lấy giá 1.500 đồng/kWh đối với 20 kWh đầu tiên cho mỗi phòng, từ 20 kWh trở lên lấy giá 2.000 đồng, cao hơn nhiều so với giá được Nhà nước hỗ trợ...
Thời gian qua, có một số đơn vị, công ty đầu tư xây phòng ở cho công nhân thuê nhưng nhiều công nhân không chịu vào ở. Điển hình như khu ký túc xá công nhân của tập đoàn Phong Thái ở huyện Trảng Bom có hơn 2.000 chỗ ở với đầy đủ tiện nghi như: Có nơi nấu ăn, khu vui chơi thể thao, thư viện đọc sách báo..., với giá thuê phòng chỉ 480.000 đồng và có thể ở được tối đa 6 người/phòng. Nhưng hiện tại chỉ có 500 người vào đây ở, tỷ lệ sử dụng đạt khoảng 20%. Nguyên nhân các công nhân không mặn mà với các khu nhà ở này là do họ cảm thấy bị "gò bó" bởi các nội quy, chẳng hạn như việc quản lý giờ giấc, không tiếp khách tại phòng...
Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động ngày càng tăng và việc xây nhà ở cho các đối tượng này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà...
Lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, đến hết năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt thỏa thuận địa điểm cho 34 dự án nhà ở công nhân và nhà ở cho người thu nhập thấp, với tổng diện tích đất 315 ha. Nhưng cho đến nay, trong tổng số 34 dự án, chỉ mới có 8 dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động và 2 dự án khác còn đang thi công. Trong 8 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có thể kể đến nhà ở do các DN sử dụng lao động xây, như: Khu ký túc xá (KTX) của Tập đoàn Phong Thái, khu nhà ở cho công nhân của Công ty Formosa, Công ty Sonadezi, Công ty Pouchen... Trong 24 dự án còn lại, có 2 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, 22 dự án đã thỏa thuận địa điểm (nhưng chưa làm hồ sơ cấp chứng nhận đầu tư). Cũng theo Sở Xây dựng Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có một số DN đăng ký xây nhà ở thương mại kết hợp với nhà ở xã hội, nhà cho công nhân và người thu nhập thấp nhưng chỉ chú trọng đầu tư xây nhà ở thương mại, còn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp thì chưa được triển khai.
Ngoài 34 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, còn có 24 DN, đơn vị đăng ký đầu tư nhà ở công nhân, nhưng do quỹ đất sạch của tỉnh hầu như không còn nên các ngành của tỉnh đề nghị DN xem xét lựa chọn đầu tư trong các dự án thương mại. Bên cạnh đó, theo một số DN đầu tư xây nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, nếu được Ngân hàng phát triển Việt Nam xét duyệt cho vay thì lãi suất sẽ là 9,6%. Mức lãi suất này được xem là cao, vì đây là các dự án xây nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Vì vậy, nếu lãi suất cao sẽ kéo giá bán, giá cho thuê căn hộ, phòng ở cho công nhân sẽ cao theo. Nếu giá cao thì công nhân không ở, còn nếu giá thấp thì DN sẽ bị lỗ vốn.
Những khó khăn, hạn chế trên đã khiến các DN đầu tư nhà ở cho công nhân còn e ngại.
Minh Hưng