Trong 52 doanh nghiệp nêu trên, nhiều doanh nghiệp nợ số tiền lớn, điển hình như: Công ty trách nhiệm hữu hạn KL Texwell Vina (huyện Trảng Bom) nợ gần 20 tỷ đồng. Công ty cổ phần đầu tư bê tông Công nghệ cao (huyện Nhơn Trạch) nợ trên 6,3 tỷ đồng. Công ty cổ phần Licogi 16.5 (huyện Nhơn Trạch) nợ gần 6 tỷ đồng. Công ty Rượu Sapanh Matxcova (thành phố Biên Hòa) nợ trên 3,5 tỷ đồng. Việc thu hồi tiền bảo hiểm của doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết, thực tế có doanh nghiệp nợ bảo hiểm vì nguyên nhân bất khả kháng (kinh doanh thua lỗ). Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp kinh doanh có lãi nhưng cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật bảo hiểm; đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nợ bảo hiểm với số tiền lớn, sau đó chủ bỏ trốn. Để thu hồi các khoản bảo hiểm doanh nghiệp còn nợ, ngành bảo hiểm phải chờ thanh lý tài sản. Với công nhân đã làm việc tại doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn nhưng còn nợ bảo hiểm, ngành bảo hiểm Đồng Nai vẫn thực hiện chốt sổ bảo hiểm cho người lao động, căn cứ theo thời gian đóng.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho thấy, đến cuối tháng 10/2018, trên địa bàn tỉnh có gần 450 đơn vị nợ các khoản bảo hiểm (từ 100 triệu đồng trở lên) với số tiền gần 260 tỷ đồng. Để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, đặc biệt là chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn khi còn nợ bảo hiểm, dưới góc độ địa phương, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cử cán bộ trực tiếp làm việc, đốc thúc doanh nghiệp thanh toán nợ, chuyển hồ sơ cho Cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự những trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Về lâu dài, cơ quan Trung ương cần xem xét, quản lý chặt việc xuất, nhập cảnh của chủ doanh nghiệp nước ngoài.