Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 9, tình hình khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin, kịp thời cảnh báo, dự báo đến người dân biết chủ động phòng tránh.
Các lực lượng hỗ trợ nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, đề phòng lốc xoáy, gió mạnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; khẩn trương rà soát các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, có phương án di dời dân đến nơi an toàn; đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó với bão.
Các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn giao thông thủy, các bến khách ngang sông; chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tại cấp xã, ấp và sẵn sàng hỗ trợ người dân ứng phó, đảm bảo an toàn về người, tài sản, hạn chế thiệt hại do bão gây ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cập nhật thường xuyên, báo cáo tình hình bão số 9 về Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại tỉnh Đồng Tháp sáng 25/11 trên địa bàn tỉnh trời âm u, mưa nhiều nơi, người dân từ thành thị đến nông thôn sẵn sàng ứng phó với bão, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, hạn chế đi lại, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp nhận định, từ 6 giờ đến 10 giờ ngày 25/11 là lúc cao điểm của bão tác động đến địa bàn Đồng Tháp, nguy cơ mưa to và xảy ra dông lốc, nhất là khu vực phía Nam của tỉnh. Sức gió mạnh cấp 4, cấp 5, giật cấp 6, cấp 7. Đến ngày 26/11 thời tiết vẫn còn xấu, có mưa và dông rải rác.
Trước hướng đi của bão, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, người dân hạn chế đi ra khỏi nhà, nơi đồng trống sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là khai thác thủy sản, hoạt động tại các bến đò ngang… Trên địa bàn tỉnh hiện đã xuống giống hơn 100.000 ha lúa, do đó các địa phương dừng xuống giống trong thời gian có bão, gia cố các đê bao bảo vệ sản xuất cây trồng, thủy sản.
Lãnh đạo ngành Công an, Quân sự, Biên phòng của tỉnh đã chỉ đạo lực lượng lên phương án ứng phó với bão, túc trực và sẵn sàng hỗ trợ khi có thiệt hại xảy ra.
Để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan, mặc dù bão số 9 khi đến Đồng Tháp có khả năng chuyển thành áp thấp nhiệt đới cũng phải tập trung theo dõi chặt chẽ về diễn biến bão số 9 để kịp thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, bảo vệ tính mạng con người là ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu các địa phương rà soát lại các khu vực sạt lở xung yếu để di dời người dân đến nơi an toàn. Trong ngày 25/11, Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo xã, phường, thị trấn dừng hẳn các hoạt động ngoài trời có sự tham gia của học sinh.
Yêu cầu các địa phương chủ động để bảo vệ sản xuất, chống ngập úng và bảo vệ bè cá trên sông; tăng cường kiểm tra, đảm bảo an giao thông đường thủy, nếu tình hình diễn biến phức tạp cần tạm ngưng hoạt động tại các bến khách ngang sông.
Tất cả thành viên Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp giữ thông tin xuyên suốt, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố.