Đồng Tháp: Sạt lở nghiêm trọng ven sông Cái Vừng

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Cái Vừng thuộc địa bàn 2 xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự; nhanh chóng bảo vệ bờ sông Cái Vừng bằng các biện pháp cứu hộ, tăng cường bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, nhà cửa và phương tiện lưu thông trong khu vực đang bị sự cố sạt lở và chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sạt lở với chiều dài hơn 200 mét.


UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành ngay việc xác định vành đai sạt lở, cắm mốc và biển báo khu vực đang có sự cố sạt lở đất bờ sông; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhân dân nằm dọc đoạn bờ sông đã, đang cảnh báo sạt lở di dời nhà cửa, hàng hóa đến nơi an toàn; không được neo đậu các phương tiện giao thông thủy trên khu vực sông có sạt lở xảy ra. Sở phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự hỗ trợ ngay cho các hộ dân trong khu vực sạt lở và di dời theo chính sách. Bên cạnh đó, cần lắp đặt các biển báo để hạn chế tốc độ, tải trọng các loại phương tiện giao thông đi qua khu vực sạt lở; thông báo nhân dân trong và ngoài khu vực có sự cố biết để chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư khẩn trương khắc phục sự cố, tiến hành thuê tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế và chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm khắc phục khẩn cấp sự cố sạt lở đất với tổng chiều dài khoảng 200m để hạn chế xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, nhà cửa và phương tiện lưu thông qua lại.

Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ, nằm bên sông Tiền, là nơi bị sạt lở hằng năm nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết, huyện thường xuyên bị sạt lở và ngập lụt. Từ đầu năm 2014, trên địa bàn huyện xảy ra 27 vụ sạt lở với tổng chiều dài 1.124m, tổng diện tích mất đất là 9.3 m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 52 hộ dân, cuốn trôi 2 căn nhà và tháo dỡ khẩn cấp 23 căn nhà, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Tình hình sạt lở bờ sông Cái Vừng thuộc địa bàn 2 xã Phú Thuận A và Long Thuận diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, huyện đã khắc phục nắn tuyến vào một đoạn 200 mét, còn lại 2 đoạn (đoạn phía dưới mương trên xã Phú Thuận A, đoạn sạt lở thuộc ấp Long Thới B - xã Long Thuận) dài khoảng 200 mét, phía trong là nhà dân dày đặc không thể nắn tuyến đường vào được (khu vực này có trên 7 lớp nhà dân đang sinh sống và được xây dựng kiên cố).

Nguyên nhân gây sạt lở là vào mùa lũ, dòng nước chảy siết tạo xoáy cục bộ vào đoạn cong của khúc sông này. Theo nhận định trong thời gian tới khu vực này có lòng dẫn không ổn định, dòng chủ lưu ép sát bờ nên tình hình sạt lở tiếp tục xảy ra mạnh, cao độ đáy sông hiện tại rất sâu từ âm 9,0m đến âm 12,5m. Tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp với chiều dài và bán kính sạt lở còn mở rộng, có nguy cơ cắt đứt giao thông liên xã, gây thiệt hại về tài sản và làm ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống quanh khu vực.

Trước hiện trạng sạt lở bờ nguy hiểm ở khu vực sông Cái Vừng, UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo lấp hố xói, sau đó sẽ tổng hợp các kinh phí, đánh giá tính ổn định công trình sau khi khắc phục khẩn cấp để có kế hoạch hỗ trợ thực hiện.


Nguyễn Văn Trí

Quảng Trị: Sạt lở đất nghiêm trọng ven sông Nhùng
Quảng Trị: Sạt lở đất nghiêm trọng ven sông Nhùng

Bờ sông Nhùng thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 50 mét và ăn sâu vào đất liền gần 15 mét.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN