Đầu tháng 10/2009, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 5215 QĐ - UBND về việc chấp thuận đầu tư dự án xây dựng nhà ở phục vụ cho cán bộ cấp bộ trưởng, trên bộ trưởng, đương chức công tác tại Quốc hội ở lô đất TT4 thuộc khu đô thị mới Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Miếu thờ mà nhân dân đã xây dựng lên sau khi quy hoạch và triển khai xây dựng, đang chắn ngang con đường. |
Dự án có diện tích trên 16.000 m2, nhằm xây dựng, cải tạo đồng bộ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Phùng Khoang theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo việc chỉnh trang đô thị và khớp nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khu vực lân cận. Thời gian hoàn thành dự án vào quý II/2011. Tuy nhiên, mặc dù đã được triển khai từ 4 năm trước nhưng với nhiều lý do, dự án vẫn gặp rắc rối chỉ vì vướng vài chục mét vuông đất giải tỏa.
Theo quy hoạch được UBND TP Hà Nội điều chỉnh, khu đất này có chức năng là đất ở nhà thấp tầng với mật độ xây dựng gần 30%. Dự án này cũng đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất nông nghiệp của nhân dân. Khi lập quy hoạch, khu đất này là một bãi đất trống, không có bất kỳ công trình, kiến trúc nào. Trong quá trình triển khai, người dân Phùng Khoang đã đào khu đất mà họ cho rằng trong lịch sử có một ngôi miếu của đình Phùng Khoang và yêu cầu được bảo vệ ngôi miếu.
Theo văn bản số 1313, ngày 9/7/2012 của Văn phòng Quốc hội gửi UBND TP Hà Nội, hiện trong ranh giới thu hồi đất thuộc dự án có 46 m2 đất nông nghiệp mà UBND xã Trung Văn đang giao cho đình Phùng Khoang sử dụng, nhưng họ không đồng ý với phương án bồi thường, không nhận tiền đền bù và không bàn giao mặt bằng, dẫn tới dự án vướng mắc trong thời gian dài. Không những thế, ngày 5/4/2012 một số người dân thuộc thôn Phùng Khoang đã tiến hành đóng cọc, trồng cây, căng dây rào xung quanh khu đất 46 m2 chưa bàn giao. Ngoài ra, người dân còn trồng cây, xây dựng miếu thờ, đặt bát hương trên khu vực nằm trong chỉ giới đường đỏ sát cửa nhà của dự án và đường giao thông.
Tại văn bản số 12, ngày 6/12/2010 của UBND huyện Từ Liêm gửi cấp trên về việc giải quyết khiếu nại của nhân dân Phùng Khoang đã khẳng định: “Trên khu đất đang có đơn kiến nghị, từ năm 1963 đến thời điểm giải phóng mặt bằng là đất nông nghiệp, không có miếu thờ và cây cổ thụ, không có trong danh mục xếp hạng di tích lịch sử, danh mục kiểm kê di tích lịch sử đình Phùng Khoang”.
Để giải quyết vụ việc này, Văn phòng UBND TP Hà Nội và Văn phòng Quốc hội đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng đến nay UBND xã Trung Văn vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm do gặp phải sự phản đối của nhân dân. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Văn, thời gian qua xã đã tích cực vận động người dân tuân thủ các quy định; đồng thời đề xuất cấp trên xem xét giải quyết tâm tư nguyện vọng của bà con bằng việc cấp khu đất mới để lập miếu thờ.
Hiện nay các cấp chính quyền cũng đã đồng ý phương án đền bù và cấp một vùng đất mới để bà con xây dựng miếu thờ. Theo ý kiến của một số người cao tuổi như ông Nguyễn Thanh Mai, Trưởng thôn Phùng Khoang và ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Ban quản lý đền Phùng Khoang thì việc di dời thực hiện dự án là cần thiết, nhưng đề nghị các cấp chính quyền bố trí mảnh đất liền kề khu vực miếu cũ.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực liền kề đã vướng vào quy hoạch, rất khó khăn trong việc bố trí xây dựng miếu thờ. Vì vậy, trong lúc đang tìm khu đất hợp lý, thiết nghĩ trước tiên các cấp chính quyền cần vận động bà con thực hiện đúng pháp luật như các văn bản của các cơ quan chức năng ban hành, để đảm bảo tiến độ dự án, tránh gây mất trật tự tại địa phương. Còn việc chọn khu đất nào hợp lý xây miếu thờ cần có sự bàn bạc hợp lý và hài hòa, vừa đảm bảo sự phát triển đô thị, vừa bảo tồn, gìn giữ được giá trị văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Cảnh