Tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là đầu vào của các ngành, lĩnh vực trong phòng, chống thiên tai, nông nghiệp, thủy điện... Đặc biệt là thông tin về dự báo dựa trên tác động, cảnh báo thiên tai có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo này sẽ góp phần cung cấp những kinh nghiệm quốc tế về công tác dự báo, cảnh báo dựa trên tác động thực tiễn tại quốc tế và Việt Nam. Từ đó, hình thành các quy trình, cách làm để triển khai việc dự báo tác động thiên tai tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai một cách hiệu quả.
Theo Tiến sỹ Senaka Basnayake, Giám đốc Ban Ứng phó với khí hậu, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á, để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan ở khu vực đô thị cần phải hiểu các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng, chống, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản trị rủi ro bền vững cho tương lai. Do đó, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành với sự tham gia của các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tiến sỹ Senaka Basnayake cho biết, Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan cho khu vực đô thị (URCE) ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được thực hiện ở thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) được Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á triển khai từ tháng 11/2018 - 12/2023 nhằm hướng tới những kết quả chính như: Cải thiện hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa, kiến thức rủi ro về khí hậu cực đoan (bão, lũ, nước dâng do bão...); tăng cường khả năng dự báo về các thiên tai; tăng cường khả năng phòng, chống, sẵn sàng ứng phó một cách có hiệu quả của người dân, chính quyền khu vực đô thị với thiên tai khí hậu cực đoan, các tình huống khẩn cấp; tăng cường năng lực phòng, chống theo ngành, ứng phó khẩn cấp tại khu vực đô thị trong các lĩnh vực như y tế, nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng trong trường hợp khẩn cấp.
Cơ sở hạ tầng trọng yếu, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương để ứng phó với thiên tai; tăng cường hệ thống quản trị rủi ro khu vực đô thị để ứng phó với khí hậu cực đoan, các tình huống khẩn cấp được dự báo trong tương lai; nâng cao kiến thức, nhận thức về khả năng chống chịu khí hậu cực đoan ở khu vực đô thị thông qua các sự kiện, diễn đàn cấp khu vực và quốc gia.
Ông Lalit Kumar Dashora, chuyên gia cấp cao về cảnh báo sớm đa hiểm họa, Ban Ứng phó với khí hậu, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á, Thái Lan thông tin: Dự báo và cảnh báo dựa trên tác động là một cách tiếp cận có cấu trúc, kết hợp số liệu thiên tai, tính dễ bị tổn thương để xác định rủi ro, hỗ trợ ra quyết định. Mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm nhằm giảm thiệt hại, tổn thất về người do thiên tai gây ra. Dự báo và cảnh báo dựa trên tác động cung cấp thông tin cần thiết để giảm thiểu chi phí kinh tế - xã hội do hiểm họa thời tiết, khí hậu gây ra. Các tổ chức, cá nhân có thể đưa ra các quyết định quan trọng để đảm bảo có sẵn các nguồn lực, vật tư để hành động sớm, ứng phó ngay khi còn an toàn.
Tại Hội thảo, Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á hướng dẫn cho thành viên tham dự bài thực hành về xây dựng ma trận tác động của bão, lũ lụt. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và đặc biệt nhấn mạnh các thông tin về dự báo dựa trên tác động trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...