Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: "GDNN ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm chiến lược phát triển GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Tuy nhiên, trước bối cảnh trong nước, thế giới có nhiều biến động, thay đổi lớn, nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra đòi hỏi cần phải tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đổi mới, phát triển GDNN trong thời gian tới.
Sau thời gian dài chuẩn bị, từ việc xây dựng đề cương, lấy ý kiến góp ý, tổng hợp báo cáo từ các tỉnh, thành ủy, các bộ, ngành, đến nay Tổ Soạn thảo Đề án Chỉ thị của Ban Bí thư đã hoàn thành việc dự thảo hồ sơ Đề án chuẩn bị trình Ban Bí thư theo kế hoạch.
Để hoàn thiện hồ sơ dự thảo, trước khi gửi lấy ý kiến chính thức của các cơ quan trung ương, địa phương, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia là đại biểu của một số ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, ngành cơ quan Trung ương.
Clip ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin về đào tạo kỹ năng nghề trong tình hình mới:
Một số điểm mới mà ông Trương Anh Dũng cho rằng cần xem xét, đánh giá cụ thể như việc đào tạo kỹ năng số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cơ chế hỗ trợ đặc thù cho học sinh THCS sang học nghề, nhất là vùng dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn; có thể mở rộng sang hỗ trợ học sinh trung học phổ thông sang học nghề… Một số địa phương gần đây có chính sách hỗ trợ riêng đào tạo riêng cho những ngành nghề mà địa phương đang cần. “Đây là những mô hình triển khai thực tế từ địa phương và có thể nhân rộng, vấn đề này cần có sự chỉ đạo của tổ chức Đảng để có sự thống nhất”, ông Trương Anh Dũng chia sẻ.
Ông Vũ Xuân Hùng,- Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết: Dự thảo Đề án xoay quanh những 3 nội dung chính là: Vấn đề mới, chưa có chủ trương để thực hiện; Vấn đề mới, có chủ trương nhưng chưa rõ để thực hiện; Vấn đề cũ nhưng khó khăn trong triển khai thực hiện; thực hiện chưa tốt.
Quan điểm chỉ đạo của đề án gồm 6 vấn đề: GDNN có vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển KTXH; Đổi mới, phát triển GDNN là đổi mới, phát triển những vấn đề lớn, cấp thiết; Đổi mới, phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; Gắn kết chặt chẽ GDNN với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; Có chính sách đầu tư phát triển GDNN đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách; Đổi mới, phát triển GDNN là nhiệm vụ của hệ thống chính trị.
Đề án được thực hiện với mục tiêu đẩy nhanh đổi mới, phát triển GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các ý kiến của đại diện Ban kinh tế Trung ương, Ban chính sách pháp luật - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện các cơ sở GDNN... là những đóng góp giúp ban soạn thảo Đề án hoàn thiện nội dung dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới.