Bộ Xây dựng và Ngân hàng Tiết kiệm cho vay nhà ở Schwabisch Hall (BSH) - CHLB Đức vừa ký bản ghi nhớ về việc hỗ trợ triển khai mô hình Quỹ Tiết kiệm cho vay nhà ở.
Theo đó, BSH sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đưa mô hình Quỹ Tiết kiệm cho vay nhà ở đã được triển khai thành công tại Đức và một số quốc gia khác vào áp dụng tại Việt Nam.
Khu nhà ở dành cho công nhân và người có thu nhập thấp tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Theo nội dung bản ghi nhớ, hai bên thống nhất hình thành Nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng và một số Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam cùng chuyên gia của BSH để cùng nghiên cứu mô hình Quỹ Tiết kiệm cho vay nhà ở với sự hỗ trợ của Nhà nước; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả, an toàn cho các ngân hàng Tiết kiệm cho vay nhà ở tại Việt Nam.
Phía Việt Nam sẽ tạo điều kiện để BSH nghiên cứu thị trường và tiếp xúc với các ngân hàng thương mại Việt Nam nhằm đi đến quyết định đầu tư vào Việt Nam sau khi đã cùng nhau thẩm định kỹ các tiền đề pháp lý và kinh tế. BSH bày tỏ tinh thần tích cực hợp tác với Nhóm nghiên cứu thông qua việc cung cấp kinh nghiệm kiến thức quốc tế và các tài liệu cần thiết về tiết kiệm cho vay nhà ở.
Hiện nay trên thế giới chủ yếu có 3 mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở là: hệ thống Quỹ Tiết kiệm nhà ở dạng “đóng”, chỉ huy động tài chính từ một nguồn duy nhất từ các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay để tạo lập nhà ở mà không được phép huy động từ các nguồn khác. Một số nước đang áp dụng mô hình này như CHLB Đức (Quỹ Bauspar), CH Séc, Hungari, Rumani, Malaixia, Trung Quốc, Xingapo… Mô hình thứ hai là hệ thống Quỹ Tiết kiệm nhà ở dạng “mở”. Theo đó, ngoài việc huy động từ tiền đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân, quỹ động vốn từ nhiều nguồn khác nhau trong xã hội. Quỹ còn thực hiện đầu tư tài chính ra bên ngoài như phát hành chứng chỉ quỹ, đầu tư trên thị trường chứng khoán... Hiện một số nước đang áp dụng mô hình này như Mỹ, Anh, Pháp (Quỹ Ėpargne-logement), Slôvênia, Tuynidi… Mô hình thứ ba là tiết kiệm nhà ở dạng hỗn hợp (kết hợp giữa Quỹ Đầu tư phát triển nhà ở và Quỹ Tiết kiệm nhà ở) do nhà nước thành lập và quản lý, trong đó nguồn tài chính từ đóng góp của Chính phủ, nguồn tiết kiệm tạo lập nhà ở của người tham gia quỹ, tiền thu từ bán xổ số... Điển hình của dạng này là Quỹ phát triển nhà ở quốc gia của Hàn Quốc, một số địa phương của Trung Quốc.
Theo Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng, Quỹ này được xây dựng theo hai mô hình là Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nguồn vốn hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (bao gồm tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, ngân sách địa phương); lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết... Các cá nhân, hộ gia đình tham gia phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua nhà ở xã hộivới mức tối thiểu trong thời gian 5 năm… Mô hình thứ hai là thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở này do Thủ tướng quyết định.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mô hình này đã áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam với nền kinh tế đang phải đối mặt với lạm phát, thị trường bất ổn và thu nhập bình quân đầu người quá thấp nên đề án khó khả thi nếu chỉ trông vào sự tự nguyện đóng góp của người lao động.
Quang Toàn