Ung dung tay không ra chợ, lúc về lễ mễ túi mẹ túi con là chuyện thường thấy của các “tướng” bà trong gia đình. Thói quen giản dị dùng làn đi chợ của phụ nữ Việt Nam đang mất dần vì việc sử dụng hàng loạt túi nilon. Trong khi đó dùng làn đi chợ không chỉ dễ thực hiện mà còn tiết kiệm, ích lợi với môi trường.
Túi nilon- vừa mất vệ sinh, vừa dễ quên đồ
Một nhà nghiên cứu tâm lý nhớ lại: “Từ rất lâu đời, người phụ nữ Việt Nam, khi đi chợ thường cầm theo các vật để đựng hàng hóa mà mình mua được. Tôi vẫn còn nhớ, trước đây, ở nông thôn, khi đi chợ, phụ nữ hay đem theo rổ, rá, thúng nhỏ để đựng những hàng hóa mua sắm được ở chợ. Sau này, ở nông thôn cũng như ở thành thị, phụ nữ thường đem theo làn, giỏ mây, giỏ cói… để đựng hàng hoá mà mình mua sắm.
Rất nhiều phụ nữ ở TP Hội An vui vẻ nhận giỏ nhựa đi chợ thay túi nilông để tham gia bảo vệ môi trường. |
Một thói quen thật giản dị, dễ làm và có nhiều lợi ích. Đó là: Vừa tiết kiệm được túi nilon, lại vừa có tác dụng bảo vệ môi trường vì sẽ hạn chế số lượng túi nilon vứt ra môi trường. Một cái lợi thứ hai mà chỉ những người đi chợ mới thấm thía đó là nếu có làn hoặc túi của mình sẽ giúp người đi chợ ít quên hàng hoá đã mua”.
Chính bản thân nhà nghiên cứu này đã không ít lần rơi vào trường hợp quên hàng ở chợ. Bởi vì, khi không đem làn đi, người mua hàng phải cầm rất nhiều túi nilon to, nhỏ khác nhau, do đó có thể không nhớ hết số lượng túi mình có, dễ bỏ sót những thứ đã mua tại chỗ của người bán hàng. Lại có những trường hợp, người mua hàng đặt các túi đựng hàng mình đã mua trước đó xuống một nơi mua tiếp theo để chọn hàng, khi đứng lên họ không nhớ để cầm theo túi hàng của mình, mà chỉ cầm túi hàng mới mua.
Hiện những túi nilon được sử dụng ngoài chợ thường là đồ tái chế. Do đó, khi đựng thực phẩm đã chế biến, chúng sẽ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng như chì sang thức ăn. Không những thế, nếu đựng đồ ăn nóng (với nhiệt độ từ 70 - 80 độ C) thì những chất độc hại trong túi nilon sẽ phát huy tác dụng và hòa lẫn vào thức ăn. Còn khi thiêu hủy, các loại túi này sẽ tạo thành khí cácboníc, mê tan và khí điôxin cực độc. Trong trường hợp chôn vùi dưới đất, phải mất tới 400 - 600 năm mới có thể phân hủy hết.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng, tác hại đầu tiên của túi nilon là gây ô nhiễm đất và môi trường nước. Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam, số lượng túi nilon được tập trung về bãi rác chiếm tỷ lệ không cao. Số túi nilon còn lại thường bị vứt xuống sông hồ, cống rãnh, kênh rạch… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước. Túi nilon lẫn vào đất có thể làm chậm sự tăng trưởng của cây trồng, ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất. Túi nilon nằm "kẹt sâu" trong cống rãnh, kênh rạch còn làm tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, gây ngập úng…
Ước tính tại nước ta, mỗi ngày có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra, bất chấp nguy cơ ô nhiễm môi trường. Một con số khác, trung bình mỗi ngày, một khu chợ vào loại trung bình của Hà Nội (có khoảng 100 sạp hàng) thì hàng vạn túi nilon được sử dụng.
Dùng làn hay túi thân thiện
Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó biến đổi khí hậu, đơn vị triển khai dự án phát không túi nilon cho biết, khi triển khai dự án cũng nhận được sự hưởng ứng của một số siêu thị, trung tâm mua sắm lớn cho rằng muốn bảo vệ môi trường hai thói quen sẽ phải thay đổi. Một là, thói quen dùng túi nilon của người đi chợ. Hai là, thói quen cung cấp túi nilon của người bán hàng.
Trên thực tế, cả hai thói quen trên đều thuộc diện khó bỏ. Chị Trần Thị Ngọc một người bán thịt tại vỉa hè trong làng Hoàng Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Nhiều người đi sang nhà hàng xóm chơi, đi qua, thấy thịt vừa ý là tạt vào mua. Mấy em sinh viên đi học về tạt qua mua miếng thịt, bắt thái luôn để tiết kiệm thời gian. Thế mà bắt họ kè kè cái làn, hay túi dùng nhiều lần thì cũng bất tiện, nên tuần một lần tôi phải làm cả cân túi”. Chị Nguyễn Thị Hường (Thanh Xuân, Hà Nội) lại cho biết: “Tôi không có thói quen mang làn đi chợ, nhưng túi xách hàng mua sẵn ở Metro thì lúc nào cũng có trong cốp xe máy.
Siêu thị này không phát túi nilon nên nếu quên túi thân thiện là chỉ có cách bỏ tiền túi ra mua cái nữa. Lâu dần, tôi cũng thành thói quen kiểm tra túi trước khi đi chợ. Tính tôi hay quên mà giờ cũng đã nhớ rất kỹ động tác này”. Tuy nhiên, không phải siêu thị nào cũng “kiên định lập trường” như Metro. Bằng chứng là trong khi hệ thống siêu thị này vẫn bán túi thân thiện thay vì sử dụng túi nilon cho khách thì nhiều siêu thị khác vẫn tiếp tục tiêu dùng lượng túi nilon “khủng”. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, có lẽ cần có những chế tài để quản lý việc sử dụng túi nilon, khuyến khích trở lại một thói quen cũ- dùng làn đi chợ.
Cầm Trang