Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS tại trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Khánh Hòa. Ảnh: Dương ngọc/TTXVN |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/ADS qua Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã ban hành công văn về định hướng kiện toàn cơ sở điều trị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kiện toàn, các tỉnh,thành phố gặp không ít khó khăn vướng mắc.
Để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh.
Thưa Phó Cục trưởng, hiện nay ở nước ta đã có bao nhiêu cơ sở điều trị HIV/AIDS ký hợp đồng thanh toán bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội và những khó khăn trong hoạt động kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS là gì? Tính đến tháng 5/2017, cả nước đã có 151 cơ sở đang cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế và hơn 13.700 bệnh nhân được nhận ít nhất một dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế. Cả nước hiện có 401 phòng khám ngoại trú; trong đó có 271 phòng đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, chiếm 67,5% (trong đó có 151 phòng đã thanh toán bảo hiểm y tế) và 130 phòng khám chưa ký hợp đồng. Hiện nay, người nhiễm HIV đã có cơ chế bảo hiểm y tế đặc thù về quyền lợi sử dụng dịch vụ y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến.
Trong quá trình thực hiện kiện toàn, các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn vướng mắc. Nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Một trong những điều kiện để được cấp phép khám chữa bệnh là đội ngũ tham gia khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với khám chữa bệnh HIV/AIDS, tuy nhiên tại các đơn vị nhiều cán bộ y tế chưa có chứng chỉ này. Để được cấp chứng chỉ hành nghề các cán bộ cần thời gian thực hành tại bệnh viện theo quy định.
Bên cạnh đó, phòng khám HIV/AIDS tại bệnh viện nhưng hoạt động theo dự án tài trợ khi chuyển sang khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được cấp thẩm quyền thẩm định và giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS với cơ quan bảo hiểm xã hội thì mới đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, người bệnh nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, đến nay nếu được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì phải tham gia bảo hiểm y tế. Trong khi đó, người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nếu phải mua thẻ bảo hiểm y tế thường xuyên, đầy đủ.
Ông có thể cho biết tại sao cần phải kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS? Điều kiện để một cơ sở điều trị HIV/AIDS cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh qua bảo hiểm y tế là gì? Chính phủ đã khẳng định bảo hiểm y tế là nguồn tài chính bền vững để điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV. Để sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho điều trị HIV/AIDS thì các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải nằm tại cơ sở y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hiện nay, một số xét nghiệm theo dõi điều trị như CD4, xét nghiệm tải lượng HIV và 90% thuốc ARV đến từ nguồn viện trợ quốc tế, bao gồm thuốc ARV phác đồ bậc 2 và cho trẻ em. Các nhà tài trợ cũng đã và đang tiếp tục dừng hỗ trợ thuốc điều trị và điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS. Trước tình hình này, từ 1/1/2018, thuốc ARV chính thức được cung cấp qua bảo hiểm y tế để điều trị HIV/AIDS.
Chính vì vậy, việc kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là rất cần thiết để có thể cung cấp được các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế bao gồm cả thuốc ARV. Theo quy định của bảo hiểm y tế hiện nay, các dịch vụ điều trị HIV/AIDS bao gồm: điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, thuốc ARV; các xét nghiệm theo dõi điều trị như xét nghiệm CD4, tải lượng HIV đều được bảo hiểm y tế chi trả.
Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) thường xuyên điều trị nhiễm trùng cơ hội cho 100 bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Vậy nên đặt phòng khám HIV/AIDS ở đâu tại bệnh viện hoặc Trung tâm y tế hai chức năng để tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh, thưa ông? Phòng khám điều trị HIV/AIDS được đặt tại khoa khám bệnh của cơ sở y tế là phù hợp nhất. Bởi vì, điều trị HIV/AIDS chủ yếu là điều trị ngoại trú, hàng tháng người bệnh được tái khám theo hẹn và cấp thuốc ARV theo quy định.
Tuy nhiên trong thực tế tại một số bệnh viện, bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm. Để bảo đảm đúng quy trình khám chữa bệnh ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám, điều trị HIV/AIDS mặc dù nằm tại đâu vẫn phải được xác định thuộc quản lý, điều hành của khoa khám bệnh và được kết nối phần mềm quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngoài ra, để thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS, lãnh đạo bệnh viện cần ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho khoa/phòng cụ thể, cán bộ y tế phải có chứng chỉ hành nghề, được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về chăm sóc điều trị HIV/AIDS.