Khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho thấy, toàn huyện có hơn 5.220 hộ dân sống phân tán trên địa bàn 10 xã phải sử dụng nguồn nước mặt từ kênh, rạch hoặc giếng khoan để sinh hoạt. Vào mùa khô, nguồn nước này bị mặn xâm nhập, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn gây nên tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Để vượt qua khó khăn, các hộ dân phải trang bị dụng cụ chứa nước mưa để sử dụng, những hộ nghèo đành phải chấp nhận sử dụng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn.
Ông Võ Minh Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, trong số 10 xã có hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt, hiện có hơn 10.740 hộ được cung cấp nước máy, chiếm chưa đến 50% tổng số hộ dân, số còn lại khoảng hơn 12.750 hộ phải dùng nước giếng khoan, không đảm bảo vệ sinh, nhất là trong mùa khô. Việc giải quyết nguồn nước máy đảm bảo phục vụ người dân đã vượt ngoài khả năng của huyện.
Ông Bùi Văn Mừng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có 158 công trình cấp nước; trong đó có 15 công trình cấp nước sử dụng nước mặt, 143 công trình cấp nước sử dụng nước ngầm. Hệ thống cấp nước này cơ bản cấp nước hợp vệ sinh và nước sạch cho người dân vùng nông thôn sinh hoạt. Tuy nhiên, do một số trạm cấp nước được xây dựng đã lâu bị xuống cấp, công suất thiết kế ban đầu hiện không đáp ứng đủ nhu cầu số hộ phát sinh mới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có khoảng 6% hộ dân nông thôn sống phân tán ở khu vực ven sông, kênh, rạch, cồn, đảo, không thể đưa hệ thống nước máy phục vụ, dẫn đến đến tình trạng còn nhiều hộ dân nông thôn thiếu nước sạch sinh hoạt.
Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đề xuất với tỉnh giải pháp xây dựng hồ trữ nước tại 4 trạm cấp nước sử dụng nước mặt để đảm bảo đủ nguồn nước ngọt cung cấp trong 6 tháng mùa khô; thi công đấu nối mở rộng, kéo dài hệ thống đường ống cung cấp nước tại các trạm cấp nước tập trung đến các khu vực bị ảnh hưởng hạn mặn, với tổng chiều dài khoảng 100 km; hỗ trợ cung cấp bồn nhựa cho khoảng 2.000 hộ có hoàn cảnh khó khăn sống phân tán để trữ nước sạch sử dụng trong mùa khô. Tổng kinh phí dự toán cho thực hiện các giải pháp này khoảng 18 tỷ đồng.