Cụ thể, sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về một gia đình nhiều khả năng nuôi nhốt gấu trái phép tại Nghệ An, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã xác minh thông tin, định vị được vị trí, xác nhận được số lượng gấu đang bị nuôi nhốt tại đây.
Ngay sau đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, đề nghị nhanh chóng tịch thu các cá thể gấu, xử lý đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 30/5 (tức sau gần 2 tháng kể từ ngày vi phạm được phát hiện), 3 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép mới được chuyển giao đến Trung tâm cứu hộ gấu Ninh Bình thuộc Tổ chức Four Paws.
Đây là một vụ việc phức tạp do đối tượng hết sức manh động, coi thường pháp luật. Trong quá trình tiếp cận cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra và cán bộ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của chủ nuôi.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết: “Những vi phạm này rất nghiêm trọng và là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc thực thi pháp luật trong mọi trường hợp để đảm bảo sự nghiêm minh và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm cũng như thúc đẩy việc chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu trái phép ở Việt Nam”.
Nghệ An, tỉnh thành giáp ranh với Lào, từng là một khu vực tập trung rất nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu để lấy mật. Địa phương này hiện vẫn là một "điểm nóng" về buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, hổ và tê tê. Cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên từ năm 2010 đã ghi nhận khoảng 119 vụ vi phạm trên cả nước có liên quan đến các đối tượng đến từ Nghệ An, một tỷ lệ rất lớn so với những địa phương khác. Trước đó, năm 2015, các cơ quan chức năng cũng không xử lý thành công một trường hợp nuôi nhốt 5 cá thể hổ trái phép từ thông tin do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cung cấp.
Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, Trung tâm hy vọng chính quyền địa phương sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa trong công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã, để thể giảm thiểu được tình trạng buôn bán động vật hoang dã và không còn là "điểm nóng" về buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng cho biết: Việt Nam hiện còn khoảng 700 cá thể gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Hầu hết các chủ nuôi đều cho rằng mục đích nuôi nhốt gấu là để "bảo tồn" hoặc vì yêu quý gấu. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động trích hút mật gấu hoặc buôn bán gấu trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương. Vì vậy, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm là vô cùng quan trọng để sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam.