Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức ngày 30/1/2022, tức 28 Tết tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội như: Lò Lợn, Trại Găng, chợ Hôm, Khâm Thiên…giá cau, lá trầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 30/1/2022, chị Nguyễn Thị Mai – tiểu thương bán cau, vàng mã tại chợ Mơ, phường Bạch Mai cho biết: “Từ ngày 29 - 30/1, lượng khách tới mua cau trầu tăng gấp 3 lần so với ngày thường với số lượng bán hàng trăm quả. Có khách mua mấy chục quả để lễ tạ và cho đầu Xuân dù giá cau khá đắt. Nếu như dịp lễ mùng 1, rằm, giá cau được bán với giá 10.000 đồng/quả thì nay là 30.000 đồng/quả; trầu têm cánh phượng 60.000 đồng/12 miếng trầu, tăng gấp đôi so với trước”.
Theo chị Mai, dịp Tết này, cau quả không đẹp như các đợt Tết trước mà giá lại tăng mạnh do Trung Quốc thu mua số lượng lớn từ vài tháng nay nên hàng rất ít. Vừa qua, tại xã Nga Liên, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), giá cau tươi lại tăng giá cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thương lái đua nhau về các vườn cau để thu mua, đặt cọc tiền với các nhà vườn… Được biết, quả cau tươi là nguyên liệu chính để sản xuất kẹo cau – sản phẩm rất được ưa chuộng tại một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Tương tự tại chợ Trại Găng, phường Thanh Nhàn, một số tiểu thương bán hoa quả và cau trầu cho biết: Nếu như ngày thường, giá cau là 10.000 đồng/quả thì nay là 30.000 đến 35.000 đồng/quả to tròn; lá trầu là 1.500 đồng/lá, tăng 600 đồng/lá so với trước do hàng ít và giá vận chuyện những ngày cận Tết tăng gấp 3 lần so với trước. Ở chợ “cóc” Lò Lợn, nếu như ngày thường, quả cau nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/quả thì nay là 20.000 đồng/quả mà mã không đẹp. Dịp Tết năm trước, giá cau tăng cũng chỉ dao động 15.000 đồng/quả. Tuy nhiên cũng có cửa hàng, giá cau “hạ nhiệt” là 10.000 đồng/quả nhưng là loại nhỏ và do nhà trồng được.
"Giá cau loại nhỏ tại chợ Đại Từ là 15.000 đồng/quả, loại đẹp 20.000 đồng/quả, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Ngoài ra, giá nải chuối xanh có số lượng quả lẻ có giá trên 100.000 đồng/nải, tuỳ theo số lượng quả", chị Lệ Linh, phố Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai cho biết.
Là người đi lễ lâu năm, bà Vũ Thị Thanh Vân, ngõ 36 Kim Mã, quận Ba Đình chia sẻ: “Từ bao đời nay, miếng trầu quả cau luôn mang đậm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Lá trầu cay cay, cau xanh chan chát, vôi trắng đắng nồng, ba thứ đó kết hợp với nhau nhai trong miệng, tạo ra mầu đỏ thắm. Theo quan niệm, một màu đỏ tươi thắm, biểu hiện cho sự sum vầy và may mắn. Vì vậy, trầu cau là vật không thể thiếu được trong những ngày vui trọng đại như đám cưới, đám hỏi, ngày giỗ ông bà tổ tiên hoặc trong những ngày Tết đến, xuân về. Đối với mọi người, trầu cau là biểu hiện cho tình cảm, thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước”.
Các loại trái cây cũng tăng giá, đặc biệt là những loại dùng để bày mâm ngũ quả như: Chuối xanh, phật thủ, trầu cau… Tại các chợ truyền thống như: Ngọc Hà, Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm. chuối xanh loại quả đẹp, số lượng quả lẻ có giá bán đắt hơn, giá phổ biến từ 150.000 đến 500.000 đồng/nải; quả Phật thủ loại đẹp, nhiều tay có giá từ 120.000 đồng trở lên.
Cứ mỗi chiều cuối năm, tắm lá mùi già là nét đẹp truyền thống lâu đời của người Việt. Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt.
Trong ngày 30/1/2022, rất nhiều người đã mua lá mùi với giá 10.000 đồng/bó to. Cụ thể: Tại phố Bạch Mai, anh Lê Hưng đã bán được vài trăm bó lá mùi trong ngày 30/1/2022 với giá 10.000 đồng/bó to. Cách đó không xa, chị Lê Hạnh, quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh bán được 900 bó mùi nhỏ nhỏ với giá 10.000 đồng/3 bó nhỏ. Theo những người bán, dịp Tết này sức mua chậm hơn vì dịch bệnh, trời mưa rét.
Clip ghi nhận của phóng viên báo Tin tức về không khí mua bán cau tươi và lá mùi già trong chiều 30/1/2022, tức 28 Tết: