LTS: Sau khi loạt bài “Ngăn ngừa hành vi bạo lực trong thanh, thiếu niên” ra mắt bạn đọc (trên số báo ra ngày 1- 3/7), báo Tin Tức nhận được một số phản hồi từ độc giả. Đa số các bài viết đều đồng tình với quan điểm gia đình chính là “hạt nhân” quan trọng trong việc hình thành nhân cách sống cho thế hệ trẻ. Nhưng bên cạnh đó thì nhà trường, xã hội cũng cần phải “vào cuộc” để giúp các em phát triển toàn diện, tránh rơi vào “bẫy” phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tin Tức xin đăng bài viết của GS.NGND Nguyễn Lân Dũng (ảnh), Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục của UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi riêng cho Tin Tức.
Gia đình chính là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người. Kịch tác gia cổ Hy Lạp Euripides (480 - 406 trước CN) có câu nói nổi tiếng: "Duy chỉ có tại gia đình con người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại những tai ương của số mệnh".
Thật bất hạnh khi thiếu một gia đình êm ấm, thuận hòa, mọi người thương yêu và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Những đứa trẻ vi phạm pháp luật thường sinh ra trong những gia đình bất hạnh. Có thể là do bố mẹ ly dị nhau. Có thể là do bố mẹ chỉ chạy theo tiền bạc bằng mọi giá, mà xao nhãng việc chăm sóc con cái... Ngược lại, trong những gia đình bố mẹ thương yêu nhau và hết lòng quan tâm đến con cái, tạo điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn, biết lắng nghe mọi tâm sự của con cái, thì có lẽ khó có thể xảy ra tình trạng con cái sa vào vòng tội lỗi.
Trong gia đình tôi, bố tôi (cố GS Nguyễn Lân) là một nhà giáo với trên 70 năm tận tụy với sự nghiệp giáo dục. Mẹ tôi, tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng đã vui vẻ bỏ tất cả theo bố vào Huế, cùng chồng trải qua những ngày tháng vô cùng gian khổ trong kháng chiến. Bố mẹ tôi rất nghiêm túc, nhưng không bao giờ nặng lời, càng không bao giờ đánh con. Tất cả anh em chúng tôi đều không hút thuốc lá, không thích uống rượu theo gương bố và đều tự giác học hành để có vị trí xứng đáng trong xã hội. Bố tôi thường kể cho chúng tôi hoàn cảnh xuất thân nghèo khổ ra sao, vì sao học hành nên người, vì sao lấy mẹ tôi, vì sao được họ hàng quý trọng, vì sao được các thế hệ học sinh kính nể... Tất cả đều là những bài học mà đến thế hệ chúng tôi lại kể lại cho các con cháu mình vào các dịp giỗ bố, giỗ mẹ, giỗ ông bà, cô bác.
Vậy nên, đại gia đình tôi, tính con, cháu, chắt đông tới gần 60 người, nhưng vẫn rất hòa thuận và sẵn lòng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Cho dù gặp bất kỳ sự cố nào cũng đều yêu thương nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn. Bốn đứa con của chị gái tôi khi còn nhỏ đã gặp hai tai họa tưởng chừng khó có thể chịu đựng nổi: Sau khi anh rể tôi mất vì bạo bệnh, chỉ một năm sau chị tôi lại bị chết oan uổng bởi tai nạn giao thông khi đang đi xe đạp sát vỉa hè. Đau thương và khó khăn không kể xiết. Bố tôi nhận nuôi tất cả đàn cháu, nhưng đứa cháu cả (nay là Đại tá quân đội) đã mạnh dạn trả lời: "Khi nào chúng cháu không tự lực được sẽ phải nhờ cậy đến ông bà". Và các cháu đã đùm bọc, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, để sau đó tất cả đều đã thành tài.
Theo tôi, ngoài mái ấm gia đình thì nhà trường cũng cần là nơi giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện, thông qua việc truyền thụ kiến thức văn hóa, giáo dục rèn luyện về phẩm chất, đạo đức.Thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn cần là tấm gương sáng để giáo dục cho các thế hệ học sinh về đạo đức, tư cách, hoài bão, khát vọng.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn ghi nhớ những bài học về những người thầy với các thầy giáo vừa giỏi giang vừa mẫu mực như các thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Trần Văn Khang, Lê Bá Thảo... Nhờ được học các thầy, mà lớp 7E của chúng tôi với các khuôn mặt thành đạt như Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Phước Tương, Kiều Thu Hoạch, Long Vân, Trần Phúc Phong, Nguyễn Quốc Hùng, Vương Thị Hanh... Đến nay, sau hơn 60 năm, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp mặt nhau và thân thiết như anh em.
Sau khi lên đại học, lớp chúng tôi cũng may mắn là được học các thầy giáo giỏi nhất về khoa học tự nhiên thời ấy. Không những thế, các thầy còn là những tấm gương sáng về tinh thần tự học, các thầy đã tự học tiếng Nga qua sách tiếng Pháp để có thể dùng sách giáo khoa của Liên Xô (cũ) để truyền đạt cho chúng tôi…
Từ những câu chuyện về những người thầy đáng kính, tôi rút ra một bài học quý giá rằng: Muốn để cho các thế hệ học sinh yêu quý, tôn trọng và noi gương, thì bản thân đội ngũ giáo viên phải không ngừng tự rèn luyện, không chỉ cần giỏi về chuyên môn, mà còn cần là những tấm gương sáng về đạo đức, tư cách, cũng như cần có tấm lòng yêu thương học sinh, sinh viên chân thành.
Tôi tin rằng, khi gia đình thực sự là bến bờ yêu thương, còn nhà trường là nơi có những người thầy mẫu mực, yêu thương con trẻ, khi đó, thế hệ trẻ sẽ vững bước phát triển, tránh xa khỏi những hành vi bạo lực nghiêm trọng.
Nguyễn Lân Dũng
(*) Tít do báo Tin Tức đặt