Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai mới đây về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Để đạt hiệu quả cao, Gia Lai cần ổn định các diện tích cây trồng, đặc biệt là cây hồ tiêu, cao su và cà phê; tập trung tăng diện tích ngô và các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Xác định cây trồng chủ lựcCùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần xác định rõ cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển một cách đồng bộ nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Việc tăng sản lượng nông nghiệp thông qua các mô hình gia trại, trang trại tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm qui mô lớn sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất. Cơ cấu đầu tư công cần điều chỉnh để phục vụ hiệu quả cho các loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế. Đặc biệt, việc xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu xây dựng từ buôn, làng, trong đó, chú trọng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là tiêu chí gốc.
Chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Văn Thông |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo được cục diện mới trong phát triển kinh tế hạ tầng nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo công ăn, việc làm và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến nay 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh... Các địa phương trong tỉnh sở hữu gần 340 công trình thủy lợi lớn, nhỏ với năng lực tưới trên 54.000 ha cây trồng các loại. Đây là cơ sở quan trọng hướng tới công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu.
Tỉnh Gia Lai cũng đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương. Tổng diện tích gieo trồng của tỉnh ước đạt gần 500.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu vào các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như: cao su (100.000 ha), cà phê (80.00 ha), tiêu (11.500 ha), mỳ (55.000 ha), ngô (53.000 ha)… Tuy nhiên, thời gian qua do giá một số mặt hàng nông sản biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung một số loại cây trồng. Lĩnh vực chăn nuôi tại Gia Lai tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và tập trung mạnh vào các dự án cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt, nạc hóa đàn heo và chăn nuôi theo hướng an toàn...
Xây dựng mô hình hiệu quảTriển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai tập trung sản xuất nông nghiệp theo từng vùng nhằm xây dựng những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả. Theo đó, các địa phương phía Tây của tỉnh tập trung sản xuất các loại cây cà phê, tiêu, cao su tiểu điền, VAC, kinh doanh tổng hợp... Còn những địa phương phía Đông, Đông Nam tỉnh tập trung các mô hình trồng điều, mía, cây công nghiệp ngắn ngày, trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi bò...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân phát trển bền vững các mô hình kinh tế, ba năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các ngành hỗ trợ tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến lâm, học tập các mô hình kinh tế điển hình cho trên 44.000 lượt người; phối hợp với các công ty phân bón để tín chấp cho nông dân mua trả chậm trên 6.000 tấn phân bón các loại; tranh thủ nguồn vốn của các ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 91.000 hộ vay với tổng dư nợ hơn 1.300 tỷ đồng.
Để phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo bà con nông dân, tỉnh Gia Lai cần hướng tới hình thành nên các mô hình liên kết sản xuất bền vững (cánh đồng liên kết, cánh đồng mẫu lớn), kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đất để nhanh chóng hiện thực hóa công cuộc giảm nghèo bền vững trong tương lai.
Nguyễn Hoài Nam