Ông Khổng Doãn Điền, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội cho biết: Cùng với phát triển của các ngành công nghiệp, các trường đại học và dịch vụ đã làm cho môi trường của Hà Nội ngày càng biến đổi theo hướng tiêu cực, trong đó có các dòng sông nội địa bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: gom nước thải công nghiệp; giải pháp sinh học được thử nghiệm trên một số đoạn sông Tô Lịch... đều có kết quả tích cực. Tuy vậy, còn một số hạn chế vì chưa có quy hoạch chuẩn mực về bố trí chất thải và nếu nhân rộng các giải pháp trên địa bàn thành phố sẽ rất tốn kém và khó khăn trong thực hiện.
Chính vì vậy, Hội thảo này nhằm mục đích thảo luận việc đưa nước sông Đà vào để bổ sung cho các con sông nội thành Hà Nội; cách ứng xử với từng nguồn nước ở Hà Nội; đưa ra đề xuất mang tính chiến lược và thực tiễn trong các giải pháp làm sống lại môi trường Thủ đô nhằm giúp lãnh đạo thành phố có những chủ trương và quyết định cho các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các bài tham luận xoay quanh một số vấn đề chính như: Cân bằng nước đến, nước dừng và nước đi cho vùng Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu diễn biến lưu lượng, mực nước các sông về mùa kiệt và đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trên địa bàn thành phố; tình hình hạ thấp mực nước trên hệ thống sông Hồng và các giải pháp thích ứng; giải pháp lấy nước sông Đà từ cống Lương Phú qua sông Tích cấp nước ổn định cho các sông Hà Nội nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước...
Nói về hiện trạng và dự án đầu tư cấp nước các sông phía Nam sông Hồng, ông Nguyễn Trường Duy, Tổng Thư ký Hội Cơ học cho biết: Phía Nam sông Hồng có 4 con sông có liên quan: sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Dự án sông Tích được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 10/2010 với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng. Đến nay đã xây dựng xong cống đầu mối Lương Phú, kênh dẫn và công trình trên kênh đang thi công.
Sông Tô Lịch đã được đầu tư cải tạo, mái gia cố, hai bên trồng hoa, cây xanh và đường giao thông rất thuận lợi. Các nhà khoa học Nhật Bản đang thí điểm sử dụng công nghệ Nano để xử lý nước thải. Tuy đạt kết quả được mục tiêu, nhưng triển khai trên 14 km sẽ không bền vững do Hồ Tây không có nguồn cấp, nếu không mưa nước hồ cạn kiệt, làm ô nhiễm môi trường nước, đầu tháng 10/2016 làm hơn 200 tấn cá bị chết.
Như vậy, các dự án cấp nước cho các sông đến nay chưa đạt được mục tiêu đề ra nên cần kiến nghị UBND thành phố Hà Nội cho lập Đề án nghiên cứu cụ thể giải pháp trên bằng định lượng để báo cáo các cấp, các ngành xem xét trình cấp có thẩm quyền bổ sung nhiệm vụ vào quy hoạch chung của Thành phố. Bố trí kinh phi để thực hiện thi công đoạn 2 dự án sông Tích (từ cầu Trắng đến cầu Ó) đoạn qua Thị xã Sơn Tây đã được phê duyệt; xử lý môi trường các sông...
Đề xuất giải pháp cấp nước tự chảy cho cho sông Đáy, sông Nhuệ, Hồ Tây và các sông nội thành Hà Nội bằng nguồn nước sông Đà, Thạc sỹ Dương Hải Sinh, Viện nước Tưới tiêu và Môi trường, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng: Việc tưới tự chảy luôn luôn hiệu quả nhất bởi giảm lượng lớn nước tưới bằng động lực, giảm tiêu thụ điện năng giành cho các ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, chủ động được nguồn nước, không phụ thuộc vào tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp, giảm lượng nước xả của các hồ thượng nguồn khi nhu cầu dùng điện không trùng hợp với nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp, giảm căng thẳng nguồn nước trong mùa khô, đặc biệt là thời gian ngả ải vụ xuân. Mặc dù có một số ảnh hưởng nhất định trong tưới tiêu và môi trường song có thể giải quyết được bằng biện pháp công trình như: xây đập hệ thống đập dâng trên sông Hồng; xây dựng các trạm bơm cấp nước thích ứng với hiện trạng lòng dẫn và mực nước kiệt hiện tại...
Các chuyên gia, các nhà khoa học đều nhất trí với những giải pháp nêu trên, bổ sung nhiều vấn đề nhằm làm rõ nhu cầu của mỗi con sông khác nhau, hiệu quả kinh tế; giải pháp công trình giao thông thủy (xây đập tràn trên sông Đà...); tính toán ảnh hưởng đến quy hoạch khác; đưa ra nhiều phương án quy hoạch so sánh để tìm ra phương án xử lý hợp lý, hiệu quả và gắn với thực tế hơn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan các thẩm quyền cho thực hiện các giải pháp này nhằm mang lại hiệu quả cao về nguồn nước, điện năng, chủ động tưới tiêu, cải tạo môi trường thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thủ đô xanh, sạch, đẹp.