Giải pháp chống quá tải mùa lễ hội

Theo thống kê, có đến 70% số lễ hội của Việt Nam tập trung vào 3 tháng đầu năm (tính theo âm lịch), trong đó có nhiều lễ hội lớn thu hút hàng vạn du khách thập phương trẩy hội. Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng đang được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chuẩn bị gấp rút trước những ngày Tết.

Siết chặt quản lý

Có những hình ảnh lộn xộn trong mùa lễ hội năm trước mà đến nay vẫn được nhắc đến như sự hỗn loạn trong ngày phát ấn đền Trần (Nam Định). Chỉ tính riêng tối 14 tháng Giêng năm Canh Dần - đêm khai ấn, hàng vạn người đã đổ về khu di tích đền Trần, xin ấn, cầu bổng lộc, công danh.


Một lượng lớn du khách đổ về gây nên cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Lãnh đạo ngành VH,TT&DL Nam Định bày tỏ: Lượng khách đổ về khu vực đền Trần quá đông làm nảy sinh hàng loạt các biến tướng từ hoạt động này như bán ấn, cướp ấn, làm ấn giả…

Du khách thập phương đi lễ cầu may tại chùa Hương.


Nên hay không nên duy trì tục phát ấn trong lễ hội năm nay? Vấn đề này mặc dầu đã được đưa ra thảo luận tại nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa đi tới hồi kết. Ở tầm vĩ mô hơn, vấn đề tổ chức, quản lý lễ hội đã nóng nghị trường năm 2010 và được cho là vấn đề nổi cộm nhất của ngành VH,TT&DL. Đó cũng là lý do mà ngành VH,TT&DL đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo đề tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và tìm hướng giải quyết.


Do đó, năm nay, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, Bộ VH,TT&DL đã tổ nhiều đoàn công tác về các địa phương, nơi có nhiều lễ hội quy mô lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như Phủ Giầy (Nam Định), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Kiếp Bạc (Hải Dương)… để phối hợp với địa phương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội.


Theo ghi nhận, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được siết chặt. Tại địa phương, các phương án tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chống ùn tắc giao thông… đang được xây dựng chi tiết.

Điển hình như với lễ hội Chùa Hương, nơi thường xảy ra những vấn đề “nóng” như tắc đường, tắc đò hay tắc cáp treo… vào những ngày cao điểm, năm nay BTC đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự.


Trong đó, huy động lực lượng tham gia giữ gìn trật tự lên tới 500 người, đồng thời bố trí, phân luồng giao thông từ xa, nhằm điều tiết lượng khách vào khu vực lễ chùa.


Tại khu vực bến Trù, lòng suối được nạo vét, khơi rộng, tạo thêm một bến đợi mới trên dòng suối Yến. Đối với khu vực động Hương Tích, năm nay, sẽ chia luồng đường lên, xuống riêng biệt, tạo lối thoát, tránh hiện tượng ùn tắc kéo dài ở khu vực của động như đã xảy ra tại nhiều mùa lễ hội trước.

Dự báo được lượng khách đến

Hiện nay, các công ty du lịch đã giới thiệu các tour du lịch dịp lễ hội và hướng tới đối tượng khách nội địa. Theo nhận định của các doanh nghiệp lữ hành, giá tour dịp lễ hội tăng 15-20% do giá thuê xe tăng.


Đối với những đoàn khách tự tổ chức, giá xe thuê vào dịp lễ hội còn có thể tăng 50-60%. Theo đại diện CLB lữ hành Hà Nội, đi trẩy hội đầu xuân là hoạt động mang tính tín ngưỡng của người Việt và chỉ diễn ra trong thời gian nhất định nên lượng người đổ về các lễ hội đông.


Vấn đề ở đây là BTC địa phương có kế hoạch phân luồng giao thông; thông tin chi tiết, sơ đồ hướng dẫn về điểm di tích và xử lý tình trạng đeo bám khách.

Qua kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, ông Hồ Anh Tuấn cho rằng, các địa phương chú trọng công tác dự báo lượng khách mùa lễ hội năm 2011, vì thực tế cho thấy những năm trước do không chú trọng công tác này nên nhiều lễ hội diễn ra lộn xộn, để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.


Bên cạnh đó, địa phương cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp và người dân sở tại về ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa của lễ hội; tập trung chấn chỉnh các hành vi tiêu cực, phi văn hóa, hoạt động mê tín dị đoan, tình trạng lộn xộn tại các khu dịch vụ trên địa bàn tổ chức lễ hội.

Tại các di tích, nơi thờ tự, thực hành tín ngưỡng, địa phương cần có hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức; tránh gây phản cảm, thiếu mỹ quan và làm ảnh hưởng đến di tích. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ việc quy hoạch, sắp xếp các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí hợp lý.


Nếu các địa phương mạnh tay trong việc xử lý những tiêu cực sẽ góp phần hạn chế những hình ảnh phản cảm, để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN