Đã hơn nửa tháng trở về nước, sống trong niềm vui đoàn tụ cùng gia đình sau những ngày chạy loạn ở xứ người, nhưng nét buồn và những suy tư về chuyến “xuất ngoại” không may mắn vẫn còn in đậm trên gương mặt những người lao động trở về từ Libi.
Nỗi lo chung của họ là gánh nặng nợ vay ngân hàng để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Thấu hiểu nỗi lo ấy, các ngành và chính quyền các cấp đang tìm mọi giải pháp để giúp đỡ lao động từ Libi về nước như: Giải quyết việc làm tại chỗ, giới thiệu việc làm thông qua các trung tâm, sàn giao dịch việc làm tại địa phương… để giúp họ vượt qua gian khó.
Bài 1: Hết sợ đến... lo
Chúng tôi về Thái Bình trong tiết trời giá buốt của đợt rét nàng Bân, kèm theo những cơn mưa nặng hạt. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ ở vùng quê công giáo nghèo, anh Nguyễn Hải Hậu, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương (Thái Bình) kể cho tôi nghe hành trình trở về của mình với gánh nặng nợ nần trên vai.
Sau khi rời khỏi Libi về nước, thấp thỏm về khoản nợ vay ngân hàng, anh Nguyễn Hải Hậu chỉ biết mong chờ được tiếp tục đi XKLĐ sang Đubai. Ảnh: Viết Tôn |
Sau nhiều tháng học tiếng, chờ làm thủ tục, tháng 9/2010, anh Hậu mới cầm trên tay tấm hộ chiếu đi XKLĐ ở Libi. Anh lên đường, để lại mẹ già, vợ và 3 cô con gái đang tuổi ăn học. Bà Vũ Thị Hoài, năm nay đã 73 tuổi là mẹ đẻ anh Hậu phân trần: “Cả gia đình với 6 miệng ăn chỉ trông vào một mẫu ruộng nên kinh tế gia đình túng bấn lắm chú ạ. Trước gia cảnh này, tôi bảo Hậu nên bàn với vợ đăng ký đi XKLĐ. Gia đình đi tín chấp vay Quỹ tín dụng được 30 triệu đồng, anh em họ hàng giúp đỡ mỗi người vài triệu đồng nữa, để nó sang đó làm việc. Nào ngờ, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, đùng một cái phải chạy loạn về nước. Bây giờ tiền vay ngân hàng mỗi ngày lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi chưa biết lấy gì để trả”.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thái Bình thì toàn tỉnh có trên 150 lao động đi XKLĐ tại Libi, trong đó chủ yếu là lao động làm nghề xây dựng do Công ty Vinaconex – MEC, Công ty vận tải biển và XKLĐ tuyển và đưa đi. Đến ngày 9/3, có trên 100 lao động của tỉnh đã về nước, số còn lại đang trên đường trở về.
Ở một thị trấn nghèo, ruộng đất ít, không có nghề phụ, nếu không đi làm ăn xa, chỉ còn cách đi XKLĐ theo diện lao động phổ thông mới có cơ may vươn lên thoát nghèo. Tuy thu nhập thấp, nhưng so với ở nhà làm ruộng thì đi XKLĐ cũng còn khá hơn. Ít nhất sau 2 năm đi XKLĐ cũng dành được ít vốn về làm ăn. Nhưng giờ trở về thế này, thì khốn khó càng thêm khốn khó. Đây là ý kiến của phần lớn những lao động đi Libi về bộc bạch với chúng tôi. Anh Đoàn Viết Chỉnh, xóm 3, xã Vũ Lạc, huyện Kiến Xương cho biết: “Vì là lao động phổ thông nên thu nhập của tôi thấp lắm. Đến khi về nước, tôi mới gửi được 1-2 lần về quê trả nợ, mỗi lần cũng chỉ được vài triệu đồng, chẳng thấm vào đâu. Về nước nửa chừng như thế này, chẳng biết làm gì để trả nợ hơn 35 triệu đồng tiền vay anh em, bè bạn”.
Cùng chung “cảnh ngộ” này, anh Trần Quốc Toản, xã Tân Lập, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, rưng rưng cho biết: “Sang Libi từ tháng 8/2010, sau 7 tháng làm việc tại công trường xây dựng, chưa kịp gom tiền gửi về gia đình để trả nợ thì đã phải về nước. Từ hôm về đến nay, chưa biết làm cách nào để kiếm tiền trả hơn 50 triệu đồng vay nợ trước khi đi, trong đó phải vay với lãi suất cao ở ngoài trên 30 triệu đồng”.
Với mong muốn đi XKLĐ để kiếm chút vốn về làm ăn, gia đình anh Nguyễn Xuân Trường (Vĩnh Phúc) cũng đã vay mượn của anh em, bạn bè số tiền 40 triệu đồng để anh đi XKLĐ. “Phải chạy loạn nên tôi bị mất hết đồ đạc, tư trang. Trên người còn độc bộ quần áo, về đến nhà, trong người còn không có nổi một xu dính túi. Bây giờ nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì có mà chết đói. Trong khi đó, món nợ vay mượn cũng đến kỳ phải trả rồi”, anh Trường buồn bã nói.
Nguyễn Viết Tôn
Bài 2: Tìm mọi giải pháp giúp đỡ người lao động