Ôn định cuộc sống
Từng là người sống lang thang ở các nơi công cộng và kiếm sống bằng việc đi xin ăn ở khắp các con phố tuy nhiên từ khi được tập trung về trung tâm bảo trợ xã hội được học nghề may đến nay chị L.A.H (ngụ ở quận Thủ Đức) đã có một công việc ổn định.
Chị L.A.H (ngụ quận Thủ Đức), cho hay sau khi được học văn hóa, học nghề tại trung tâm bảo trợ xã hội tôi được giới thiệu vào làm việc tại một doanh nghiệp may mặc đóng trên địa bàn quận. Làm việc được hơn 4 tháng nay, tháng nào cũng kiếm được khoảng 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống hằng ngày. Cũng nhờ có công việc ổn định này mà tôi không phải lo ăn từng bữa khi đi lang thang xin ăn ở các con phố như trước.
Người ăn xin thường kiêm luôn công việc bán vé số để có thể hành nghề mà không bị phát hiện. |
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh (LĐTB-XH TP.HCM) cho biết: “Sỡ dĩ TP tập trung người lang thang, ăn xin vào các trung tâm bảo trợ nhằm đảm bảo cho họ có ăn có nơi ở, sinh hoạt an toàn, được chăm sóc vật chất, tinh thần đặc biệt đối với người cao tuổi, trẻ em. Ngoài ra, cũng để tránh một số đối tượng lợi dụng người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật đi xin ăn để trục lợi. Từ đó, để có điều kiện hỗ trợ cho đối tượng học văn hóa, học nghề, định hướng việc làm, hội nhập xã hội.
Theo báo cáo của Sở LĐ TB- XH TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, Sở LĐTBXH TP.HCM đã tiếp nhận 1.879 đối tượng và chuyển đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội 1.272 trường hợp, giải quyết hồi gia tại Trung tâm 763 trường hợp. Sau khi tập trung 3 tháng, người có gia đình bảo lãnh sẽ được hồi gia, những ai được hỗ trợ học nghề sẽ được giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống. Theo đó, đã có hơn 400 người được học nghề với các nghề như: xây dựng, chăm sóc cây kiểng, cắt tóc, may dân dụng, sửa máy tính…Đã có hơn 400 người được học văn hóa với cá lớp xóa mù, cấp I, Cấp II, trung cấp, cao đẳng, Đại học. Đã có hơn 24 người được doanh nghiệp nhận vào làm để ổn định cuộc sống.
Vẫn còn khó khăn
Mặc dù, TP đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng người lang thang ăn xin trên địa bàn, song công tác này vẫn còn gặp phải những khó khăn. Ghi nhận tại các khu vực như ngã ba Cát Lái (quận 2), khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), khu vực công viên 23/9 (quận 1)…hiện vẫn còn xuất hiện một số người vừa bán vé số kiêm luôn công việc ăn xin. Những đối tượng này chủ yếu là những người già, trẻ em, người tàn tật…
Theo ông Giang, nguyên nhân của tình trạng trên là do người lang thang, ăn xin phân bổ khắp thành phố và thường xuyên di chuyển nên khó phát hiện. Trong quá trình xác minh do đối tượng không nhớ hoặc không cung cấp địa chỉ cư trú, thông tin thân nhân, gia đình nên kết quả xác minh không chính xác, dẫn đến kéo dài thời gian. Hơn 90 % người ăn xin tại TP là đến từ các tỉnh thành khác, nhưng các tỉnh thành khác chưa có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các gia đình khó khăn, có nguy cơ phải lang thang xin ăn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng chưa có hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp nhận, chăm sóc số người lang thang. Vì thế, một phần không nhỏ những người đã hồi gia về các địa phương, thường tiếp tục trở lại TP.HCM tái lang thang xin ăn.
Cần giải quyết căn cơ tình trạng người ăn xin để giúp họ ổn định cuộc sống. |
Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, Sở LĐTB-XH TP.HCM vẫn đang tiếp tục phối hợp, giao kết chặt chẽ với các tỉnh, thành để có biện pháp trợ giúp họ ổn định cuộc sống, có công ăn việc làm, định cư ở nơi cư trú. Riêng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn và phối hợp với quận, huyện đẩy mạnh thực hiện thực hiện tập trung đối tượng thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đồng thời, đề nghị quận, huyện rà soát các khu trung tâm, các giao lộ, khu chế xuất,…thường xuất hiện người xin ăn để tổ chức tập trung đối tượng kịp thời.
“ Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là vẫn là tập trung tuyên truyền, vận động người dân không cho tiền người xin ăn, tiếp tục duy trì đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh từ người dân để có hướng xử lý kịp thời. Ngoài ra, khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu chăn dắt người xin ăn, chúng sẽ phối hợp với cơ quan thẩm quyền xử lý theo qui định… Một khi thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên chắc chắn người ăn xin, lang thang sẽ ổn định cuộc sống, đồng thời giúp thành phố có hình ảnh thân thiện trong mắt du khách trong nước và Quốc tế”, ông Giang cho biết thêm.
Nếu gặp người lang thang, ăn xin người dân có thể báo tin vào đường dây nóng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: .292491 (giờ hành chính) ; Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ).