Giải quyết tình trạng “cò” bệnh viện: “Cò” từ trong ra ngoài bệnh viện

“Vấn nạn”"cò" bệnh viện đang ngày càng nhức nhối, gây mất an ninh trật tự, tốn kém cho người bệnh và làm người dân giảm lòng tin về y đức của người thầy thuốc.

“Cò” từ trong ra ngoài bệnh viện

 

Ngày 6/7, Bộ Y tế đã tổ chức một hội nghị đặc biệt với sự tham gia của đại điện cơ quan công an và 21 bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để đánh giá thực trạng và sớm giải quyết “vấn nạn” “cò” bệnh viện.

 

Bệnh viện càng đông, “cò” càng nhiều


Tại các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội như BV Bạch Mai, BV K, BV Mắt TƯ… mọi người đều dễ dàng bắt gặp cảnh “cò” BV nhốn nháo và chèo kéo bệnh nhân.
Sáng 6/7, khi vừa đặt chân tới BV K (Hà Nội), chưa kịp định thần trước cảnh lộn xộn vì quá đông bệnh nhân và người nhà tới khám chữa bệnh, PV Tin tức bỗng giật mình vì cái vỗ vai của một phụ nữ khoảng 40 tuổi, dáng dong dỏng cao. Chị ta tư vấn: “Khám ở đây lâu lắm. Vào xếp số đến mai chưa khám được. Ra ngoài khám chỉ đến trưa là xong mà toàn do các bác sĩ của BV K khám cho, yên tâm”.


 

Quá tải bệnh viện là nguyên nhân để cho "cò" bệnh viện lộng hành.

Khi tôi nói rằng chở người nhà đi khám và muốn khám trong bệnh viện để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì ngay lập tức, người phụ nữ đứng kế bên “mách nước”: “Bệnh nặng hoặc nhập viện thì hãy khám bằng bảo hiểm. Xếp số đợi đến lượt khám, rồi lại đợi đi xét nghiệm, chờ kết quả thì phải 2 ngày mới xong. Nếu ra phòng khám tư thì nhanh lắm, giá chỉ cao hơn bệnh viện khoảng 200.000 đồng nhưng khi cần làm xét nghiệm sẽ có người dẫn vào BV ngay”. Thấy tôi viện cớ ra đón người nhà và lên xe đi, nữ “cò mồi” còn nói với theo: “Lát ra đây chị dẫn đi khám, tiền công chỉ hết mấy chục nghìn đồng thôi”.


Tại BV Mắt trung ương, cảnh “cò” vẫy tay, chèo kéo bệnh nhân cũng diễn ra khá lộn xộn. Vừa đặt chân tới cổng viện, mấy “cò nữ” đã lao xao mời: “Mua sổ khám bệnh đi em, vào kia xếp hàng đông lắm”. Thấy tôi đồng ý mua quyển sổ khám bệnh với giá 3.000 đồng, “cò nữ” này tiếp tục: “Em muốn khám nhanh không, đưa chị 50.000 đồng nữa”.


Sau khi nhận 50.000 đồng, “cò ngoại” này dẫn tôi đến khu khám bệnh, bà ta “bàn giao” trường hợp của tôi cho một “cò” khác rồi tiếp tục ra ngoài mời mọc bệnh nhân khác. “Cò” nữ thứ 2 dặn tôi đợi một lát để đi lấy phiếu khám nhưng khi trở lại, cô ta nói: “Hết số khám bác sĩ rồi, chỉ còn số khám của giáo sư, tiến sĩ thôi. Thôi thì em đưa thêm 150.000 đồng để khám giáo sư giỏi cho yên tâm”. Thấy tôi đòi số tiền 50.000 đồng ban đầu đã trả để mua phiếu khám, cò nữ này ráo hoảnh: “Đi mà đòi bà X. lúc nãy ấy”.


Trao đổi về nạn cò BV nêu trên, một đại diện BV Mắt trung ương cho hay: “Dù lãnh đạo BV đã áp dụng rất nhiều giải pháp nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do “cò” bệnh viện hoạt động ngày một linh hoạt: bán sổ, đưa bệnh nhân đi khám nhanh, xét nghiệm, phẫu thuật nhanh thậm chí còn dẫn bệnh nhân sang cả phòng khám tư… Hiện nay, do chế tài xử phạt “cò” bệnh viện chưa được cụ thể hóa, chưa đủ mạnh nên dù cơ quan công an có bắt vào buổi sáng thì buổi chiều “cò” lại tới BV để “hành nghề”. Công việc “bắt” và “thả” “cò” cứ lặp đi lặp lại nên cơ quan chức năng cũng có lúc “buông”, chỉ ra tay khi tình hình trật tự quá bức xúc”.


Lo ngại về tình trạng “cò” bệnh viện hoạt động ngày một tinh vi, ông Vũ Bá Quyết, Phó giám đốc BV Phụ sản TƯ chia sẻ: “Bệnh viện nào cũng có “cò”, thậm chí là một đội “cò” chuyên nghiệp. Hiện nay còn có hiện tượng biến tướng, “cò” lại chính là những cán bộ bệnh viện về hưu, ngày nào cũng đưa “người nhà” đến khám, gây khó khăn cho công tác quản lý bệnh viện…”.

 

Nhân viên y tế cũng làm “cò”


PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc BV Nhi TƯ băn khoăn làm thế nào phát hiện được tình trạng nhân viên y tế của BV làm “cò”. Đó có thể là bác sĩ, nhân viên y tế, bảo vệ, người làm vệ sinh… Việc phát hiện để xử phạt nhân viên y tế làm “cò” là rất khó khăn.


Theo BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia: Hiện nay, không ít nhân viên y tế còn kiêm luôn cả nhiệm vụ cò mồi. Họ nhờ bác sĩ này, bác sĩ kia mổ cho “người nhà” để được nhận tiền môi giới.


Theo ông Nguyễn Việt Chức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội: “Nếu bác sĩ, nhân viên y tế không bắt tay với “cò” thì chắc chắn sẽ dẹp được tình trạng “cò” BV. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nhiều BV chưa thực sự quan tâm đến công tác này, cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng ngành công an. Dù cơ quan công an khuyến cáo cần lắp đặt camera nhưng nhiều BV vẫn “bỏ qua”. Hơn nữa, việc tuyên truyền về các thủ đoạn của “cò” tại nhiều BV chưa thường xuyên, nên nhiều người bệnh dễ bị mắc lừa…”.


Để giải quyết hiệu quả tình trạng “cò” BV, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng: “cò” BV có mối quan hệ với nhân viên y tế nên trách nhiệm giải quyết vấn đề này trước tiên thuộc về các giám đốc BV”.


“Bên cạnh các giải pháp giảm quá tải BV, việc lắp thêm camera, chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ, tăng cường tuyên truyền về thủ đoạn của “cò” BV… các BV cũng cần có chế tài xử lý kỷ luật nhân viên y tế thật công minh, tránh xử lý nửa vời kiểu bao che. Đến nay, chưa thấy cơ sở y tế nào báo cáo về việc xử phạt, cho thôi việc những cán bộ vi phạm. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cần đưa công tác giải quyết “cò” BV vào các tiêu chí đánh giá chất lượng BV hàng năm…”, ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.

 

CTV, Nam Hoàng, P.Liên thực hiện

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN