Bổ sung chiều giảm nghèo về việc làm
Theo ông Nguyễn Tấn Nhựt, Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mặc dù đạt được những thành tựu cơ bản nhưng công tác giảm nghèo vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại cũ. Do đó, trên cơ sở những thành tựu cũng như hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn cũ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang hoàn thiện dự thảo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội cụ thể của đất nước trình Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở để hình thành các chỉ tiêu và mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 xác định trên nhóm chiều về thu nhập và chiều về thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đối với chiều về thu nhập, trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất, căn cứ ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, Bộ LĐTBXH đề xuất chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Từ đó, hộ nghèo ở khu vực nông thôn sẽ là hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; Còn khu vực thành thị sẽ là hộ gia đình có thu nhập từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo với khu vực nông thôn sẽ là hộ gia đình có thu nhập bình từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân sẽ từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Như vậy, chiều về thu nhập của hộ nghèo và cận nghèo theo đề xuất của giai đoạn 2021-2025 là giống nhau nhưng khác nhau ở số lượng chiều thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Light đánh giá: "Việc đề xuất mức chuẩn về thu nhập chung cho hộ nghèo và cận nghèo là phương pháp tiến bộ, tiệm cận với xác định nghèo đa chiều trên thế giới. Trước đây, chuẩn nghèo về thu nhập giữa hộ nghèo và cận nghèo có khoảng cách nhất định nhưng thực tế mức xác định thường dưới chuẩn mức sống tối thiểu nên thực tế hộ thoát nghèo và cận nghèo luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, thiếu bền vững. Việc chung chuẩn về thu nhập của hộ nghèo và cận nghèo cũng sẽ yêu cầu các địa phương quan tâm nhiều hơn hỗ trợ về các chiều thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản".
Đối với các chiều thiếu hụt xã hội cơ bản vẫn được kế thừa giai đoạn trước là y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin, đồng thời bổ sung thêm chiều về việc làm. Như vậy, chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản giai đoạn tiếp theo là 6 bởi đây là chiều tác động đến chiều thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.
Sự bổ sung chiều về việc làm được đánh giá sẽ giải quyết cơ bản nguyên nhân nghèo đến nguồn lao động và các địa phương sẽ phải quan tâm hơn đến các chính sách tạo việc làm, dạy nghề. Theo đó, chiều việc làm với các chỉ số tiếp cận việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Cụ thể, về chỉ số tiếp cận việc làm gồm: Hộ gia đình có ít nhất một người bị thất nghiệp (trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm; hoặc đang làm việc hưởng lương nhưng không có hợp đồng lao động (xem xét cho việc làm chính chiếm nhiều thời gian nhất của người lao động). Về chỉ số về người phụ thuộc trong hộ gia đình gồm hộ có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Trong đó người phụ thuộc gồm người dưới 18 tuổi, người từ 60 tuổi trở lên có thu nhập bình quân tháng không vượt quá mức sống tối thiểu, người từ 18 đến dưới 60 tuổi nhưng không có khả năng lao động và có thu nhập bình quân tháng không vượt quá mức sống tối thiểu.
Trong các chỉ số để xác định chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội kế thừa trước đây (y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin) cũng được bổ sung và điều chỉnh với tổng số là 12 chỉ số gồm: Dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục, đào tạo của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp cận thông tin; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Cụ thể với chiều y tế, chỉ số đánh giá về tiếp cận các dịch vụ y tế được thay bằng chỉ số dinh dưỡng với ngưỡng thiếu hụt như hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc cân nặng theo tuổi. Chỉ số bảo hiểm y tế điều chỉnh ngưỡng thiếu hụt như hộ gia đình có ít nhất một người từ 6 tuổi đến dưới 80 tuổi hiện không có bảo hiểm y tế.
Nhóm chỉ số nước sạch và vệ sinh, sửa đổi thành nước sinh hoạt và vệ sinh; trong đó, thay đổi chỉ số nước sinh hoạt hợp vệ sinh thành chỉ số nguồn nước sinh hoạt an toàn (bao gồm nước máy, các nguồn nước hợp vệ sinh khác bảo đảm an toàn cho người sử dụng)...
Vói những điều chỉnh thêm chiều việc làm và thay đổi một số tiêu chí của các chiều, nhất là nâng chuẩn về thu nhập của cách tính nghèo đa chiều dự kiến áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tăng lên khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ với 10 triệu người nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7 %, tương ứng với 1,89 triệu hộ, 7,61 triệu người nghèo.
Với số lượng tăng này, Bộ LĐTBXH cũng dự tính tổng nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bằng khoảng 78,30% so với giai đoạn 2016-2020. Ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân hằng năm (bao gồm ngân sách hỗ trợ chi mua bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, tín dụng/cấp bù lãi suất, trợ giúp pháp lý…) không làm gia tăng ngân sách so với giai đoạn 2016 - 2020.
Sẵn sàng cho giai đoạn mới
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, xác định hộ nghèo dựa trên chuẩn thu nhập hiện nay không còn phù hợp do giữ nguyên trong 5 năm liên tục và không cập nhật theo chỉ số giá. Bên cạnh đó, hộ nghèo được tách thành 2 nhóm (hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản) nên chưa phù hợp. Do đó, phương pháp tính hộ nghèo và cận nghèo đa chiều trong giai đoạn tới sẽ chung về chiều thu nhập và khác nhau ở mức độ thiếu dịch vụ xã hội cơ bản. Điều này cần có sự chính xác khi xác định các chiều thiếu hụt dịch vụ cơ bản để có chính sách hỗ trợ tổng thể.
Để chuẩn bị cho chuẩn nghèo giai đoạn mới, Bộ LĐTBXH cũng đã lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các địa phương và các chuyên gia. Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Kon Tum cho rằng, phương pháp tính hộ nghèo và cận nghèo đa chiều áp dụng với giai đoạn mới mà Bộ đề xuất là hợp với xu thế mới. Nhưng đứng ở góc độ địa phương thì mức chuẩn thu nhập theo đề xuất sẽ làm tăng số hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn và cần nguồn lực để hỗ trợ, trong đó có nguồn lực về tín dụng ưu đãi.
Còn ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hòa Bình cho rằng: “Chuẩn nghèo thu nhập ở mức sống tối thiếu là hợp lý vì với trượt giá tiền như hiện nay và nhu cầu sinh hoạt thì bao nhiêu cũng thiếu. Do đó, việc hỗ trợ cần huy động từ nhiều nguồn. Giảm nghèo là việc mà chỉ riêng Nhà nước thì không thể làm được, cần có sự tích cực từ các địa phương, quan trọng nhất là cần ý thức vươn lên từ chính những hộ nghèo. Do đó, chính sách nên cố gắng giảm hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, hướng tới tạo việc làm, tổ chức sản xuất, dịch vụ, tăng cường các mô hình…; hỗ trợ bà con phải sát thực tế thì mới đảm bảo giảm nghèo bền vững”.
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, phải xác định nguyên nhân nghèo mới có định hướng cụ thể giảm nghèo. Trong đó với những hộ nghèo kinh niên thì có hình thức theo trợ cấp. Như Hà Nội là có Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù để hỗ trợ các đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), dưới góc nhìn của cán bộ cơ sở, với các trường hợp hộ nghèo có người trong độ tuổi lao động thì giải pháp căn cơ là tạo việc làm, tiếp đến là vốn. Phường tác động gián tiếp thông qua hỗ trợ để đào tạo nghề, vận động tạo việc làm để có thu nhập. Bên cạnh đó, số hộ khó khăn còn nhiều nên để tránh tái nghèo thì giải pháp được xác định là hỗ trợ vay vốn thông qua tín chấp từ Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh. Những hộ khó khăn được hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ là nền tảng vững chắc để không tái nghèo.
Từ góc độ chuyên gia, bà Nguyễn Thu Giang, Viện Phó Viện Light cho rằng, việc bổ sung chiều việc làm trong các chiều dịch vụ xã hội cơ bản là rất hợp lý. Bởi có việc làm là có thu nhập và với mức lương tối thiểu vùng đang được quy định như hiện nay được áp đụng đúng sẽ kéo mức thu nhập chung của hộ nghèo lên. Tuy nhiên, với chiều việc làm thì tiêu chí quan trọng để đánh giá là công việc ổn định, bền vững mà vấn đề này liên quan đến kỹ năng nghề. Hiện với tiêu chí này, Việt Nam đang bị đánh giá là nước lao động còn thiếu nhiều kỹ năng nên tính dự báo về thị trường lao động, ngành nghề cần được quan tâm.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho rằng, trong giai đoạn 2021 – 2025 cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới. Do đó, việc xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa và phát triển chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn trước ở một cấp độ, mức độ cao hơn, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm, bền vững đối với người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, thị trường lao động cần được quan tâm để người lao động có việc làm bền vững, nâng cao thu nhập để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng năm.
Nghèo là một hiện tượng kinh tế xã không chỉ tồn tại ở các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển, mà nó còn tồn tại ngay tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia mà tính chất, mức độ nghèo của từng quốc gia có khác nhau.
Đối với Việt Nam, giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc, nhóm dân cư, là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông qua thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được một bước tiến ấn tượng trong công tác giảm nghèo những năm vừa qua. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% (đầu năm 2016) xuống còn 3,75% (cuối năm 2019) và dự kiến xuống dưới 3% (cuối năm 2020). Theo đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường gắn với đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Bài cuối: Hướng đến nâng cao chất lượng sống