Giảm nghèo và an sinh xã hội ở Tây Bắc

Để khai thác tiềm năng lợi thế của vùng Tây Bắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án quan trọng.

94% số xã hoàn thành quy hoạch chung về nông thôn mới

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hiện các tỉnh vùng Tây Bắc đã triển khai tích cực các nội dung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt. Trong đó tập trung vào công tác nâng cao chất lượng quy hoạch, quan tâm đến quy hoạch sản xuất, xây dựng đề án chi tiết và các tiêu chí khác. Qua 4 năm triển khai, các tỉnh vùng Tây Bắc mặc dù có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn nhiều vùng trong cả nước, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu tích cưc”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi nhân dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương - xã điển hình phát triển nông thôn mới của tỉnh Tuyên Quang.
Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Qua theo dõi, việc xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, điện, nước sạch, xóa nhà tạm…

Ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, hiện nay đời sống người dân nông thôn vùng Tây Bắc đã được cải thiện hơn. Thu nhập bình quân đầu người của cả vùng đã tăng 35%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 8% so với trước. Đến nay, đã có 94% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung về nông thôn mới (tỷ lệ bình quân cả nước là 96,4%). Nhiều xã đã hoàn thành quy hoạch chi tiết sản xuất, quy hoạch chi tiết hạ tầng kinh tế - xã hội, phê duyệt xong đề án chi tiết…

Ổn định dân cư

Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn khác cũng được triển khai mạnh mẽ.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc trao tặng ti vi cho các gia đình chính sách, hộ nghèo tại huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN


Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, chương trình bố trí ổn định dân cư khu vực vùng Tây Bắc những năm qua đã góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ổn định cho đối tượng là những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện nghèo ở các vùng dễ xảy ra rủi ro. Tính đến hết năm 2014, toàn vùng đã thực hiện bố trí ổn định cho trên 3.300 hộ, trong đó ổn định tại chỗ đạt 8%; di dân tập trung đạt 21%, xen ghép đạt 30%. Nhiều hộ được di chuyển ra khỏi vùng thiên tai do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng.

Bình quân trong khu vực Tây Bắc các xã đã đạt 7,5% tiêu chí nông thôn mới, tăng 3,8 tiêu chí so với năm 2010. Số xã đạt 19 tiêu chí là 27 xã, chiếm 1,2% tổng số xã trong vùng, trong đó có 13 xã được công nhận. Trong số các tỉnh vùng Tây Bắc, Phú Thọ và Hòa Bình là hai tỉnh có mức đạt tiêu chí bình quân cao nhất, lần lượt đạt 9,72 và 9, tiêu chí.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Công tác di dân, tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện Sơn La, Lai Châu được đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Đối với Sơn La, đã triển khai lập, phê duyệt 2.853/2.962 dự án thành phần, đạt 96,32%; hoàn thành và đưa vào sử dụng 2.435 dự án; giao và tạm giao 24.859,14 ha/13.571,8 ha đất nông nghiệp, đạt 104,32%. Dự án di dân, tái định cư thủy điện Lai Châu hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết 5/5 khu tái định cư tập trung nông thôn; lập, phê duyệt 24 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 7 dự án”.

Nhiều điểm, dự án bố trí dân cư, tái định cư phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân khu tái định cư từng bước ổn định, có cuộc sống bằng và khá hơn nơi ở cũ. Xây dựng hoàn thiện nhiều công trình kết cấu hạ tầng và phúc lợi công cộng, giúp hộ nông dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cần thiết nhất là các vùng nghèo, vùng sâu, vùng biên giới.

Song song với chương trình bố trí, ổn định dân cư, các chương trình, dự án về giảm nghèo và an sinh xã hội nông thôn như Chương trình 135, 30a… được hướng dẫn, triển khai các bước theo tiến độ. Nhiều mô hình giảm nghèo được xây dựng và nhân rộng như: Mô hình chế biến chè ở Tuyên Quang, trồng mít Thái ở Lào Cai, trông chè giống mới ở Phú Thọ, nuôi bò sinh sản ở Quan Hóa tỉnh Thanh Hóa… Một số địa phương trong vùng cũng đã chủ động đầu tư xây dựng mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, tập trung vào các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây lương thực chất lượng cao…

Viết Tôn
Tết của đồng bào Mông ở Tây Bắc
Tết của đồng bào Mông ở Tây Bắc

Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông được tổ chức trước Tết Nguyên đán của người Việt một tháng, người Mông trắng gọi là Chia sùng lầu - Tết tháng 12. Theo quan niệm của người Mông, ngày Tết là ngày vui, ngày sum họp của các thành viên trong gia đình...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN