Cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động.
Cải thiện môi trường làm việc
Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, vào tháng 2/2024 xảy ra vụ nổ bình hơi tại một công ty trong Khu công nghiệp Hòa Hiệp khiến một công nhân tử vong. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn lao động, làm một người chết và 37 người bị thương. Toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn lao động thuộc đối tượng không có hợp đồng lao động, làm chết 9 người và bị thương 4 người. Các ngành nghề xảy ra tai nạn lao động chủ yếu như xây dựng, vận hành máy công nghiệp, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng...
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hào Hưng Phú Yên (thị xã Sông Cầu) chuyên sản xuất dăm gỗ, gỗ ghép thành phẩm với hơn 200 công nhân làm việc thường xuyên. Tại đây, nguy cơ tai nạn lao động, ảnh hưởng sức khỏe khá cao do công nhân thường tiếp xúc với nhiều loại máy móc có lưỡi cưa, máy cắt, khoan đục sắc nhọn. Người lao động còn có thể mắc một số loại bệnh do tiếp xúc với hóa chất, bụi gỗ và bị ảnh hưởng thính giác do tiếng ồn trong nhà máy.
Chị Phạm Thị Thanh Tuyền (công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hào Hưng Phú Yên) cho biết, Công ty luôn tạo môi trường làm việc sạch sẽ, ít bụi bẩn và đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu. Chị được sắp xếp làm việc ở những vị trí ít nặng nhọc, rủi ro cho lao động nữ. Lãnh đạo Công ty thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng an toàn cho người lao động. Công tác phòng cháy, chữa cháy và an toàn điện được chú trọng, không để xảy ra tai nạn thương tích nghiêm trọng.
Theo ông Lê Văn Hồ, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hào Hưng Phú Yên, từ khi thành lập đến nay, Công ty không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, đạt kết quả này là nhờ chủ động thực hiện tốt các phương án đảm bảo an toàn của người lao động. Lãnh đạo Công ty trang bị kiến thức để người lao động chủ động bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc. Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và thường xuyên kiểm định máy móc, trang thiết bị...
Thời gian qua, doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Bên cạnh việc cải tạo nhà xưởng, xây dựng hệ thống chống nóng, chống ồn, hút bụi, hệ thống chiếu sáng... lãnh đạo các Công ty, xí nghiệp, nhà máy còn quan tâm thực hiện chế độ chính sách về an toàn, vệ sinh lao động. Các đơn vị thường xuyên trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, bồi dưỡng độc hại, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị kịp thời bệnh nghề nghiệp.
Anh Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An toàn, môi trường, sức khỏe Công ty RAPEXCO Hòa Hiệp (thị xã Đông Hòa) chia sẻ, trong quá trình hoạt động, Công ty luôn theo dõi, nghiên cứu để xây dựng bảng đánh giá rủi ro, mất an toàn lao động. Từ đó, đưa ra giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho công nhân như loại bỏ thiết bị không phù hợp, làm các thiết bị bảo vệ cho máy cưa, làm tín hiệu cảnh báo nguy hiểm… Nhờ vậy, tai nạn lao động đã giảm đáng kể, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ cho người lao động. Máy móc, thiết bị ở một số doanh nghiệp không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan của người lao động. Nhiều người lao động không chịu sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân... Do vậy, giám sát chặt chẽ trong quá trình làm việc sẽ giúp người lao động giảm thiểu rủi ro, tai nạn.
Tại công trường thi công hầm Tuy An thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên, công nhân đang khoan núi để sớm thông hầm theo đúng tiến độ. Mỗi ngày, có khoảng 120 công nhân làm việc trong điều kiện hầm sâu, chật hẹp, khu vực trên cao, nguy cơ thiếu không khí, sạt lở đất đá do địa chất yếu. Do vậy, các đơn vị thi công luôn bố trí đầy đủ cán bộ an toàn kỹ thuật để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện, kiểm tra sức khỏe người lao động và kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.
Anh Lưu Thanh Hoàng, cán bộ giám sát an toàn lao động Công ty Cổ phần Tập Đoàn Đèo Cả (đơn vị thi công hầm Tuy An) cho biết, anh cùng các cán bộ an toàn kỹ thuật có mặt thường xuyên cùng công nhân để đánh giá mức độ an toàn thi công hầm. Công trường thi công được bố trí đường dẫn ống thông gió để có đủ lượng oxy và hằng tuần có đơn vị vào quan trắc chất lượng không khí. Trước mỗi ca làm việc, cán bộ kỹ thuật dành khoảng 15 phút phổ biến các quy định, kỹ năng an toàn cho công nhân nắm. Trong quá trình làm việc, nếu công nhân có tình trạng mệt mỏi được kiểm tra sức khỏe tại chỗ và có thể thay thế công nhân khác làm việc.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan chỉ đạo, yêu cầu chủ sử dụng lao động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động tại các bộ phận, phân xưởng. Đồng thời tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đối với các loại máy móc, thiết bị máy móc.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên Phan Đại Thắng nhấn mạnh, người lao động phải ý thức và trang bị cho mình dụng cụ, trang phục bảo hộ lao động khi làm việc; đồng thời thực hiện đúng quy trình, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, tránh nguy cơ rủi ro, tai nạn xảy ra. Các doanh nghiệp thực hiện chế bộ đảm bảo cho người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Cơ quan chuyên môn của tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.