Đó là kiến nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội sau khi khảo sát hiệu quả của việc điều chỉnh giờ nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, tại cuộc họp của UBND thành phố với liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố và các đơn vị liên quan, tổ chức sáng 14/3.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lưu ý, giải pháp điều chỉnh giờ học tập, làm việc, kinh doanh là một giải pháp tình thế khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, cần áp dụng linh hoạt để giảm bớt hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: vào các khung giờ cao điểm tại một số tuyến phố, nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trước khi thực hiện đổi giờ như đường Trường Chinh, phố Chùa Bộc, nút giao thông Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc, tuyến Giảng Võ - Láng Hạ, nút giao thông Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc..., bằng biện pháp đếm xe và phỏng vấn nhanh nhiều đối tượng, hiện tượng ùn tắc đã giảm rõ rệt do sự kết hợp giữa giải pháp thay đổi giờ với nhiều biện pháp khác được các cấp, ngành thực hiện khá đồng bộ, tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực ở những tuyến phố chính của khu vực nội thành, vẫn còn một số tuyến hầu như chưa chuyển biến và xuất hiện thêm một số điểm ùn tắc mới trong thời gian gần đây. Việc thay đổi giờ và một số giải pháp khác mới chỉ làm thay đổi cơ bản từ việc ùn tắc nghiêm trọng (có khi hàng giờ) thành ùn tắc nhẹ (xe lưu thông tốc độ chậm) và ùn tắc cục bộ tại một số nút giao thông chứ không thể làm thay đổi hẳn tình trạng giao thông của Thủ đô. Nguyên nhân là những giải pháp này chỉ làm giãn thời gian lưu thông của phương tiện chứ không làm giảm số lượng phương tiện, không làm giảm khối lượng, tần suất tham gia giao thông trên địa bàn.
Vào các khung giờ cao điểm tại một số tuyến phố, nút giao thông trọng điểm thường xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trước khi thực hiện đổi giờ, hiện tượng ùn tắc đã giảm rõ rệt. Trong ảnh: Ngã tư Vọng lúc 17 giờ 45 phút (2/2/2012 ). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nhanh, mạnh những giải pháp làm giảm mật độ dân số, mật độ văn phòng công sở song song với các giải pháp tăng tỷ lệ đường giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, việc thay đổi giờ học của học sinh THPT lên 18 giờ thay vì 19 giờ như trước đó cũng làm gia tăng thời gian ùn tắc. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông còn kém và chậm được cải thiện là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của các giải pháp giảm ách tắc giao thông của thành phố. Một số hoạt động sử dụng vỉa hè, lòng đường vào giờ cao điểm cũng góp phần gây nên ùn tắc giao thông.
Để biện pháp trên phát huy hiệu quả, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến của việc đổi giờ trên địa bàn, xem xét điều chỉnh linh hoạt giờ học của học sinh THPT tại địa bàn quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông; xem xét giờ học của học sinh, sinh viên tại các khu vực có mật độ cao, có thể điều chỉnh học lệch giờ giữa các trường để giãn bớt mật độ vào một khung giờ. Việc điều chỉnh giờ không nhất thiết đồng loạt toàn thành phố mà cần linh hoạt trên cơ sở đăng ký của các trường và giải pháp điều hòa chung của ngành giao thông. Đồng thời cần có biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc quyết định đổi giờ của thành phố.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: kết quả điều tra lưu lượng xe tại một số nút trọng điểm tập trung đông phương tiện cho thấy, mật độ phương tiện đã giảm tại giờ cao điểm từ 5 đến 15%, giờ cao điểm được giãn rộng ra; một số nút giao thông khả năng thông qua chỉ còn từ 1,2 - 1,9 lần sau 1 tháng thực hiện điều chỉnh giờ. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong tháng thực hiện điều chỉnh giờ, trên địa bàn 10 quận và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì, tai nạn giao thông giảm so với tháng trước.
Tuyết Mai