Giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về giãn cách xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký ban hành công văn khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt tại các đường ngang, lối tắt vào địa bàn.

Chú thích ảnh
Chốt phụ tại ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú kiểm tra, khai báo y tế với người dân vào tỉnh Bình Phước. Ảnh tư liệu: K GỬIH/TTXVN

UBND tỉnh cho biết, sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, cần chấn chỉnh - ý thức của một bộ phận người dân trong thực hiện giãn cách xã hội còn kém; các đường ngang, lối tắt chưa được kiểm soát tốt; còn nhiều trường hợp né chốt kiểm dịch để đi vào tỉnh; công suất lấy mẫu xét nghiệm và điều trị chưa đáp ứng yêu cầu.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch; thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian gian giãn cách xã hội, đảm bảo tính răn đe và nghiêm túc.

Đặc biệt, bà Trần Tuệ Hiền yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không kiểm soát chặt các đường ngang, lối tắt làm tăng nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng; tăng cường kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với tài xế vận chuyển hàng hóa khi ra vào các địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Đến trưa 26/7, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nghi nhận 175 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 10/11 huyện, thị xã, thành phố.

* Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn vừa chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, nhất là yêu cầu về giãn cách, không tụ tập đông người, hạn chế đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết...

Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%. Các cấp, các ngành, địa phương chủ động, thường xuyên trao đổi để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả.

Các đơn vị cần chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác...; sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát.

Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị nhất là tại cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 09; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng trong tỉnh đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Cụ thể, ngày 23/7, Ủy ban nhân dân thị xã Duyên Hải đã xử phạt 6 trường hợp với mức phạt 15 triệu/người về hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng liên quan đến việc tụ tập đông người, ngày 24/7, Công an xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú) đã quyết định xử phạt 5 trường hợp vi phạm với mức xử phạt 15 triệu đồng/người. Cùng ngày, Công an xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, xử phạt hành chính N.T.K. (31 tuổi, trú ở xã Tân Hùng) 2 triệu đồng về hành vi ra đường không thật sự cần thiết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

* Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, địa phương đang triển khai những giải pháp quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả, tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16, Tiền Giang cũng huy động nhân lực toàn ngành y tế, khẩn trương xử lý các ổ dịch, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Kiểm tra người và phương tiện vào thành phố Mỹ Tho tại chốt kiểm soát trên đường Ấp Bắc. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tỉnh đã thành lập 291 tổ truy vết với 1.412 người, 221 tổ lấy mẫu xét nghiệm với 721 người, 1 tổ tiêm chủng với 619 người; lập 57 cơ sở cách ly y tế tập trung với công suất 5.482 giường, 8 cơ sở cách ly có thu phí tại khách sạn.

Nhằm đảm bảo thu dung, điều trị hiệu quả bệnh nhân COVID-19, tỉnh đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến với 6 cơ sở, quy mô 1.610 giường bệnh. Các cơ sở của bệnh viện dã chiến có chức năng theo dõi, điều trị người mắc COVID-19 trên địa bàn; tiếp nhận và theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2; phát hiện kịp thời các trường hợp có triệu chứng để cách ly và điều trị riêng. Những trường hợp nặng, diễn biến xấu chuyển lên tuyến trên điều trị,…

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 được kiện toàn nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế thấp nhất ca bệnh trở nặng hoặc tử vong. Theo đó, UBND tỉnh đã đầu tư 145 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế cần thiết. Hiện nay, Tiền Giang đã trang bị 4 máy xét nghiệm Realtime RT-PCR với công suất xét nghiệm trên 2.000 mẫu đơn/ mỗi ngày.

Để điều trị kịp thời những trường hợp bệnh nặng, Ủy ban nhân dân tỉnh còn trưng dụng Khu khám chữa bệnh theo yêu cầu và kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và một cơ sở của Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang làm đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Các cơ sở này được trang bị các trang thiết bị y tế hiện đại và bố trí đội ngũ y, bác sĩ chuyên môn giỏi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị tích cực cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Thảo, tính đến ngày 25/7, tỉnh ghi nhận 1.988 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 119 ổ dịch trên địa bàn. Trong đó, 1 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, có 31 ca tử vong. Tiền Giang đang cách ly tập trung đối với 3.985 trường hợp F1 và cách ly tại nhà 1.233 trường hợp F1. Ngành y tế tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 41.706 người, trong đó có 11.139 người đã tiêm đủ hai mũi, đạt 102,72% chỉ tiêu.

* Theo Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Yên Bái vừa phát hiện một trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, người này có tiền sử điều trị COVID-19 tại Bắc Ninh từ ngày 28/6 đến ngày 12/7, có giấy ra viện với mã số 15.945. Đây là trường hợp tái dương tính sau điều trị, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Yên Bái, cho biết, hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không ho, không sốt, đã được chuyển về Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để cách ly 11 ngày.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm nếu địa phương để lây lan dịch bệnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16
TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm nếu địa phương để lây lan dịch bệnh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16

TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu địa phương nếu buông lỏng quản lý, làm dịch bệnh lây lan ở địa bàn mình phụ trách trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN