Năm 2023, Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Tiểu dự án 1) được phân bổ 803,379 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương và 55,674 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Nguồn huy động khác để thực hiện Tiểu dự án này là 10,079 tỷ đồng.
Tiểu dự án này có tổng số có 693 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Tiểu dự án cải thiện dinh dưỡng (Tiểu dự án 2) được phân bổ 270 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương, 21,358 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động khác là 1,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện Tiểu dự án 2, Bộ Y tế đã tổ chức hai hội nghị hướng dẫn triển khai chương trình, 8 lớp tập huấn hướng dẫn về chuyên môn triển khai chương trình và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến tỉnh (180 cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh), xây dựng các hướng dẫn chuyên môn.
Các địa phương đã tổ chức triển khai hoạt động tư vấn dinh dưỡng, đa vi chất bổ sung cho trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng, sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cho trẻ em dưới 16 tuổi tại các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tỷ lệ trẻ được uống vitamin A và tẩy giun đạt trên 90%.
Các địa phương đã cung cấp đa vi chất cho 46.402 phụ nữ có thai và nuôi con bú tại 1.089 xã của chương trình (tổng số trên 8,45 triệu viên), cấp phát gần 11,14 triệu viên vitamin A 200.000 UI và gần 1,48 triệu viên vitamin A 100.000 UI cho trẻ 6-59 tháng tuổi. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Chính phủ cho biết, ước tính năm 2023, có khoảng 40% người có khả năng lao động (thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Đối với Tiểu dự án 2, ước năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giảm còn %.