Cách thành phố Thanh Hóa 132km, xã Trung Thượng có phong cảnh hữu tình, là nơi sông Lò nhập với sông Mã đỏ ngầu. Ở đó có ‘‘hang ma’’ nằm trên đỉnh núi tai mèo vòi vọi. Vì là ngày cuối tuần nên chúng tôi không gặp được lãnh đạo địa phương, vất vả lắm chúng tôi mới hỏi thăm được nhà ông Tiến, Chủ tịch xã Trung Thượng. Tuy nhiên, đến nơi thì người nhà ông Tiến bảo ông đã đi xuống TP Thanh Hóa từ hôm trước. Xin được số điện thoại để gọi, ông Tiến vui vẻ xác nhận có tồn tại “hang ma” ở bản Bôn, nhưng ông đang đi vắng, rồi ông cho số điện thoại và giới thiệu chúng tôi sang gặp anh Hà Văn Hạnh, cán bộ văn hóa xã.
Gian nan đường vào “hang ma” trên đỉnh hang Pha Quen. |
Anh Hạnh còn khá trẻ, làm văn hóa xã được hơn 5 năm nay, anh trò chuyện rất cởi mở, tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề muốn lên ‘‘mục sở thị hang ma’’, anh bỗng e dè bảo mới mưa nên đường lên đó khó đi lắm, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhưng thấy chúng tôi tha thiết, anh cũng nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nhà Trưởng bản Lương Văn Thướng để gọi thêm một vài người rành đường hơn cùng hỗ trợ.
Đến nhà trưởng bản thì được biết ông đang đi ăn cưới rất xa, không có mặt ở nhà. Khi chúng tôi quyết định đi một mình không cần ai dẫn đường thì anh Hạnh vội can: “Đường đi lên đó khó khăn lắm, nếu không có người dẫn đường thì các anh rất dễ bị lạc, mà biết tìm hang ma chỗ nào trên ngọn núi kia chứ. Các anh đứng chờ tôi, tôi đi xem quanh đây có ai biết đường để dẫn các anh đi”...
Anh Hạnh chỉ đi một loáng đã gọi được anh Lương Văn Đào (con trai trưởng bản), thầy giáo Hà Văn Hợi và một người tên Kiến dẫn đường cho chúng tôi lên “hang ma”. Hơn 30 phút chuẩn bị dây thừng, nai nịt, đèn pin, dao phát, chúng tôi mới có thể xuất hành. Thầy Hợi bảo: Không biết những ngôi mộ này có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày còn bé, thầy đã được nghe những người già bảo trên đỉnh núi Pha Quen có ma, trẻ con không được lên đó chơi. Mấy lần thầy theo mọi người lên hang nhưng lần nào thầy cũng chỉ ngồi ngoài không dám vào trong.
Hang Pha Quen, theo tiếng Thái có nghĩa là hang thoáng đãng (thấy rõ là rất thông thoáng), nhưng con đường đi lên hang động thì thật khủng khiếp. Để sang bên dãy núi hang Pha Quen, chúng tôi phải lội qua sông Lò, mò tìm đường đi trong khu rừng rậm rạp cây leo và những con dốc dựng đứng trơn trượt. Thầy Hợi đi đầu dẫn đường, phát cây, chúng tôi đi giữa, tiếp theo là anh Hạnh và anh Kiến. Sở dĩ phải đi như vậy vì chúng tôi không quen đi đường rừng nên những chỗ dốc cao, khó đi thì người kéo tay, người đủn mới qua được. Thậm chí nhiều đoạn đường trơn, hay có những tảng đá to chắn đường, mọi người phải trèo lên trước sau đó buộc dây thừng vào thân cây cho chúng tôi bám theo hoặc buộc vào người cho mọi người kéo. Không những thế, trên đường đi, chúng tôi còn bị cây Na Cờ Teo với những chiếc lá có gai sắc nhọn cứa vào da thịt tứa máu và ngứa ngáy kinh khủng.
Đột kích ‘‘hang ma’’
Hì hục gần 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng lên được khu vực gần miệng hang. Nhưng để lên được hang, chúng tôi phải đu dây thừng qua những vách đá dựng đứng, cao chót vót, tôi dám chắc không phải ai cũng đủ ‘‘bản lĩnh’’ để chinh phục. Ngay miệng hang, chúng tôi đã thấy 13 chiếc quan tài (cứ 2 cái quan tài được ghép lại với nhau thành một bó) gác chon von. Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài nằm như một con thuyền độc mộc, chỏng chơ. Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục rỗng, rêu mốc xanh rì. Chúng tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao trước đây người ta làm cách nào mà đưa được những chiếc quan tài này lên đây.
Theo anh Hạnh, ngoài hang này ra thì một hang khác trên đỉnh núi còn có nhiều quan tài hơn. Để lên đó, chúng tôi còn phải đi qua một cửa hang khác. Cửa hang số 3 này thông với cửa hang chính ở phía trên, nhưng lại rất nhỏ. Cửa hang này cách cửa hang chính khoảng 3 - 4m và bị ngăn cách bởi một vách đá dựng đứng, không có điểm tựa, các hốc đá để bám được tay lại rất trơn, ở phía dưới là vực sâu, nếu sơ sẩy là coi như… thiệt mạng. Tôi loay hoay một hồi lâu nhưng không tìm được cách nào để lên trên đó, thầy giáo Hợi phải chặt một khúc cây dài, nối từ cửa hang xuống dưới, sau đó được sự giúp đỡ của mấy người đi cùng, tôi cũng “chạm” được đến cửa hang chứa nhiều quan tài nhất.
Ngay khi chạm chân đến cửa hang chính này, một mùi ẩm mốc thối nồng hắt ra từ trong cửa hàng làm tôi suýt… nôn. Thật kỳ bí, tại đây hàng chục chiếc quan tài dường như vẫn còn nguyên vẹn, có chăng chỉ bị mối mọt, hoặc là do thời gian quá lâu mà thân gỗ bị phai mòn, tất cả đều được sắp xếp chồng chất nhiều tầng và lộn xộn không có quy luật nào. Mỗi tầng chứa được khoảng 3 - 4 chiếc quan tài. Chúng tôi đếm được có 17 quan tài. Trong đó, hơn một nửa vẫn còn được ghép với nhau nguyên vẹn.
Cửa hang có chiều cao khoảng 4 - 5m, có đáy rộng khoảng 1,5m, trên cùng rộng khoảng 2,3m. Hang tối âm u và sâu hun hút vào bên trong. Đường vào hang dường như đã bị bịt kín bởi những chiếc quan tài này. Tất cả đều được xếp theo ngăn và có giá chống thẳng đứng rất chắc chắn, trong những chiếc quan tài chúng tôi quan sát vẫn còn khá nhiều xương sót lại.
Đa số những chiếc quan tài này đều được làm bằng gỗ quý, theo cảm nhận của chúng tôi, những chiếc quan tài này đã tồn tại qua hàng trăm năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu chi tiết nào về những chiếc quan tài trong hang đá này. Mỗi chiếc quan tài có chiều dài khoảng từ 2,3 - 2,7m, rộng khoảng 40 - 50cm. Quan tài được làm ra từ một cây gỗ lớn, hai đầu quan tài được vót nhỏ để buộc và đóng chốt nhằm giữ quan tài chắc chắn, khi di chuyển không bị tách đôi. Ở hai bên vách núi, có những ký tự tượng hình chạm trổ vẫn còn khá rõ.
Trong lúc chúng tôi còn đang tò mò nhìn những chiếc quan tài thì thầy Hà Văn Hợi lại đi gom những chiếc xương cẳng tay, cẳng chân còn sót lại để chụp ảnh. Ở xung quanh có những mảnh sành sứ vỡ còn vương vãi khắp nơi. Trên nóc hang có những vết đen cháy, thầy Hợi phán đoán: “Có thể lúc người ta đưa quan tài lên trên này, họ đã nấu ăn, hoặc cúng bái nên mới có những vết đen cháy trong hang và những mảnh sành sứ này”.
Theo quan sát, hang đầu tiên này khá hẹp trong đó có 2 cặp quan tài nằm rải rác mỗi nơi một nửa, ở phía trước cửa hang có một không gian khá rộng và thông thoáng. Phía trên cửa hang là vách núi vươn ra như hàm ếch nên có khả năng che mưa nắng rất tốt.
Cách phía trên một đoạn, hang số 2 nhỏ hơn một tí, nhưng lại nằm sâu hơn. Chúng tôi bật đèn pin rồi cùng chui sâu vào phía trong hang. Trong ánh đèn pin le lói, bỗng thầy Hợi giơ lên một chiếc… đầu lâu. Hoảng hồn, mọi người cùng cười ầm lên trong cái rùng mình của tôi.
Những người đi cùng cho biết, đây là lần đầu tiên có người chui vào tận trong hang để cầm đầu lâu ra cho nhà báo chụp ảnh. Trước đó ai cũng sợ không dám vào hang chứ chưa nói đến việc cầm mấy thứ “khủng khiếp” này. Họ không phải sợ chiếc đầu lâu, mà sợ một sự thần bí khác. Họ sợ đụng chạm vào nơi linh thiêng này sẽ bị “trả thù” hoặc gây chết chóc.
Vẫn chưa có một nghiên cứu chính xác, làm sao di chuyển được những chiếc quan tài lên đây, sao lại an táng tận trong hang sâu tít mít trên này. Và một điều nữa là vì sao hiện nay số đầu lâu còn duy nhất một cái, xương các bộ phận khác thì hầu như còn rất ít, trong khi nhiều cặp quan tài vẫn còn nguyên?
Trưởng bản Lương Văn Thướng, cho biết, ở dãy núi hang Pha Quen này, trước đây hổ, khỉ, báo rất nhiều. Có thể khi người ta an táng ở đây, các loài động vật này đã vào tha xác chết đi nơi khác để ăn? Đồng quan điểm này, thầy Hợi cũng nói, cách đây 5, 10 năm về trước, khu vực này còn rất nhiều hổ và khỉ. Đứng bên này sông Lò, nhìn sang có đàn khỉ hàng chục con xuống tận chân núi để bẻ trộm ngô của dân bản. Việc trước đây có nhiều hổ, báo là chuyện đương nhiên. Còn về việc những chiếc quan tài nằm trên cao như hiện nay, có thể trước đây mực nước của dòng sông Lò cũng xấp xỉ cửa hang. Nhưng nếu giả thuyết này được đặt ra, thì tính từ khi dòng nước mấp mé hang, bây giờ lại nằm tít dưới chân núi, thì chắc chắn phải trải qua hàng triệu năm chứ chẳng ít. Nếu thế thì liệu những gì đang sót lại có thể tồn tại?
Nhìn đối diện sang bên phải cũng có một hang, tuy không lớn như hang chính bên trái này, nhưng lại kéo dài theo vách núi khoảng gần chục mét và hiểm trở hơn, những chiếc quan tài được chất chồng lên nhau. Chúng tôi đếm được có 13 tấm, tức là 6 bộ và một tấm lẻ, trong đó có nhiều bộ còn ép sát vào nhau. Tất cả các tấm gỗ đều đã bị mối mọt theo thời gian nhưng không thấy ẩm mốc như bên hang kia. Có một ít xương nhỏ nằm gọn trong những chiếc quan tài.
Như vậy, tính tổng cả 5 hang cũng có hơn 20 cặp quan tài cổ. Nhưng sự bí ẩn của nó, như an táng vào thời đại nào, của người dân tộc nào, vì sao lại an táng ở trong hang đá trên núi cao… thì vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể. Chỉ biết rằng đến nay Ban Danh lam Di tích của Sở VH,TT&DL tỉnh Thanh Hóa, Bảo tàng Tỉnh, Phòng Văn hóa thông tin huyện Quan Sơn đã cử cán bộ đến lấy các mẫu, chụp ảnh để về nghiên cứu một nền văn hóa độc đáo và bí ẩn này.
Cần sớm được lý giải
Theo chúng tôi được biết, hang động chứa nhiều quan tài cổ ở Trung Thượng là điểm được phát hiện mới nhất. Cùng huyện Quan Sơn, ở dãy núi Pha Dờn, bản Muỗng, xã Trung Xuân cũng có hàng chục chiếc quan tài được an táng kiểu này. Cách đây ít năm, báo chí từng thông tin về một khu rừng mộ đá kỳ lạ ở xã Trung Sơn, huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa). Đến nay, giới khoa học vẫn chưa có giải thích cụ thể về những cỗ quan tài đó và những điều liên quan. Việc phát hiện thêm hàng loạt hang động có chứa quan tài cổ ở dãy núi hang Pha Quen này như bổ sung những điều bí ẩn cần được lý giải. Đây là một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người xưa để lại, liên quan đến táng tục của tộc người Việt xưa. Bí ẩn “hang ma” trên đỉnh hang Pha Quen.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, với sự vào cuộc của các nhà khoa học, khảo cổ học, những “bí mật” trên dãy núi hang Pha Quen này sẽ được “bật mí”.
Ngô Hùng- Khánh Linh