Giao thừa của những người khoác áo blouse trắng

Giao thừa là giây phút thiêng liêng với mỗi gia đình, là thời khắc để mọi người cùng sum họp, đón không khí rộn ràng, ấm áp của tiết xuân. Nhưng với những y bác sỹ, người khoác áo blouse trắng thì việc đón giao thừa tại bệnh viện với họ dường như đã trở nên quen thuộc. Họ luôn tất bật chạy đua cùng thời gian, với các ca mổ, cấp cứu để mang lại sự sống cho bệnh nhân.

Gặp chúng tôi tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bác sỹ Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa cho biết: Hơn 20 năm khoác trên mình chiếc áo blouse thì 18 năm tôi vắng mặt vào đêm giao thừa, mặc dù nhà chỉ cách Bệnh viện chừng vài trăm mét. Vì là khoa tập trung điều trị cho những bệnh nhân nặng nên những ngày Lễ, Tết chúng tôi làm việc còn căng thẳng hơn.


Các y bác sĩ luôn phải ứng trực dịp Tết. Ảnh minh họa (Phương Vy - TTXVN)


Thường thì khoa có 14 giường nhưng mấy ngày Tết phải kê thêm do bệnh nhân nặng ở các khoa khác chuyển về. Bận rộn nhất thường là khoa khám bệnh - cấp cứu, gây mê - hồi sức tích cực, ngoại, sản. Vào thời điểm Tết Nguyên đán, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện hầu như năm nào cũng tăng, vì theo tục lệ của người Việt, ngày Tết, những người thân trong gia đình có dịp đoàn tụ và quây quần để chúc nhau ly rượu đầu năm khiến số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu khá nhiều.

Đó là chưa kể cấp cứu do tai nan giao thông, tai biến mạch máu não, tim mạch… Để đáp ứng phục vụ cho bệnh nhân trong những ngày Tết, nhất là đêm giao thừa và mồng một, mồng hai Tết, Ban giám đốc Bệnh viện đã bố trí lịch trực cấp cứu, cũng như các khoa phòng hết sức chặt chẽ, tất cả các bác sĩ giỏi của các khoa luôn trong tình trạng sẵn sàng khi có yêu cầu.

Ngoài ra, bệnh viện còn thành lập 2 đội phản ứng nhanh gồm 20 người thực hiện cấp cứu ngoại viện với 2 xe ô tô có đầy đủ trang thiết bị, thuốc... Mồng 1 Tết, bệnh viện vẫn giao ban bình thường để đánh giá tình hình các trường hợp bệnh.

Vào nghề được 5 năm nhưng điều dưỡng Đặng Kiều Trang cũng đã 3 năm đón giao thừa ở bệnh viện, Trang tâm sự: Lúc đầu cũng có nao lòng khi không được cùng người yêu du xuân xem bắn pháo hoa nhưng cảm giác đó qua nhanh bởi sự tất bật của công việc. Mỗi ca trực ngày bình thường có 3 điều dưỡng nhưng ngày Tết có đến gần chục người. Nhiều khi không có thời giờ để đáp lại những tin nhắn chúc mừng của người thân, bạn bè.

Năm nào cũng vậy, tối 30 Tết, lãnh đạo tỉnh và các ngành cũng đến động viên và chúc Tết các y, bác sĩ trực, đồng thời tổ chức đón xuân sớm, từ 20-22h. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường cùng nâng một ly rượu vang, ăn mứt, kẹo và chúc nhau năm mới bình yên. Đón giao thừa sớm như vậy để khi thời khắc chuyển năm mới nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp thì các y, bác sĩ đều đã sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Sau khoảnh khắc giao thừa, lãnh đạo bệnh viện cùng các y, bác sĩ lại tới tặng quà, thăm hỏi, động viên bệnh nhân. Món quà chỉ giản dị là những gói mứt, bánh kẹo nhưng thể hiện sự quan tâm của bệnh viện đối với bệnh nhân khi mà họ phải đón Tết trên giường bệnh.

Một mùa xuân nữa lại về, sau những ồn ào, náo nhiệt của dòng người đi đón giao thừa thì với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng dường như khái niệm Tết của họ luôn gắn liền với công việc bận rộn, thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa dù họ không có được không khí đầm ấm sum họp gia đình đêm 30 Tết như bao người khác.

Vũ Hà
Gặp những người luôn đón giao thừa trên phố ở Huế

Thành lệ thường, trong khi từng dòng người đổ xô ra phố mua sắm và vui Tết, đón Xuân cùng gia đình thì những chiến sĩ Cảnh sát (CS) 113 vẫn âm thầm với công việc của mình, giữ gìn an ninh trật tự để người dân đón một mùa Xuân mới an lành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN