Giáo viên “hạ sơn” về Tết

Những ngày giáp Tết, người người, nhà nhà lo sắm sửa còn các thầy cô giáo vùng cao lại lo toan cho cuộc “hạ sơn”, về quê sum họp với gia đình.

Nhọc nhằn chuyến “hạ sơn”


Trên chuyến xe khách từ trung tâm huyện Si Ma Cai ra thành phố Lào Cai, trên quãng đường “lọc cọc” đá và ổ gà, chúng tôi bắt chuyện với một cô giáo có tuổi đời chưa quá 30. Cô bế theo con nhỏ, dưới chân nào là túi sách, va li, bu gà. Nét mặt xanh xao, đôi mắt trũng xuống với vẻ của một người ít ngủ, cô giáo có vẻ mệt và say xe. Chúng tôi gặng hỏi, cô tuy mệt nhưng cũng niềm nở trả lời, đúng phong cách của một cô giáo vùng cao. Cô kể rằng: “Em tên Huệ, dạy môn Sinh học, nhà em ở tận Thái Bình, em lên Si dạy học đã 5 năm rồi, lấy chồng bộ đội nhưng anh ấy đóng quân ở tận bên Lai Châu, mỗi năm chỉ gặp nhau có hai lần. Em sinh cháu nhỏ được hơn một tuổi, hai mẹ con bồng bế nhau ở tập thể nhà trường”.

 

Gieo chữ vùng cao, thầy cô giáo mang theo nỗi nhọc nhằn mỗi khi hạ sơn.

Cô Huệ tâm sự thêm, năm nào cũng vậy, năm hết Tết đến, tiết trời vùng cao sương giăng dày đặc, ở Si, tiết trời càng lạnh buốt và âm u hơn. Nhìn ra ngọn núi phía trước mặt mà thấy lo cho hành trình về quê ăn Tết. Nhưng đi cả năm rồi, có cái Tết chẳng nhẽ không về, về để đoàn tụ gia đình, gặp bố mẹ hai bên và người chồng bao ngày tháng xa cách. Cô Huệ cho biết: “Đêm qua hầu như em không ngủ, phải lo chuẩn bị quần áo, thu dọn đồ đạc, thân gái một mình cùng con nhỏ, khó bề lo liệu hết được. Chặng đường của em đi nghĩ mà thấy rợn người anh ạ. Đi từ Si ra thành phố đã mất đứt trên 100 cây số rồi. Ra Lào Cai bắt xe xuôi Mỹ Đình hơn 300 cây nữa rồi từ Hà Nội về Thái Bình quê em mất hơn 100 cây”.


Câu chuyện của cô Huệ chỉ là một trong hàng trăm cuộc hành trình của những thầy cô giáo vùng cao.


Cô giáo Nguyễn Thị Thu Đàm, giáo viên tiểu học huyện vùng sâu Sìn Hồ (Lai Châu) tâm sự: “Chị dạy học ở Sìn Hồ đã hơn chục năm nay rồi, quê Phú Thọ, dạy điểm trường lẻ nên quanh năm làm bạn với suối, đèo cao dốc núi và lạnh giá. Chỉ mong Tết đến để về xuôi ăn Tết với gia đình”. Cô Đàm tâm sự: chồng bộ đội ở Tuyên Quang, con nhỏ gửi ông bà nội ở quê để có điều kiện học hành hơn nên cả năm gia đình cô phải “tách” làm ba với biết bao điều thương nhớ. Khi có lịch nghỉ Tết, cô phải “tức tốc” thu dọn hành lý để ra Sìn Hồ bắt xe lên tỉnh rồi vẫy xe về Hà Nội, rồi lại bắt tiếp tuyến xe ngược lên Phú Thọ.

 

Học trò vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai) những ngày giá rét.


Khi chúng tôi hỏi “Thế các thầy cô có xin nghỉ sớm và lên muộn hơn được vài ngày không?”, đều nhận được những cái lắc đầu. Vậy là, thời gian đi đường đã chiếm gần nửa thời gian nghỉ Tết rồi. Vượt bao quãng đường xa và khó khăn, về được quê, chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp khỏi say xe và mệt thì đã phải lo cho chuyến ngược. Cô giáo Vi Thị Thu dạy học ở xã Thanh Kim tâm sự: “ Em dạy ở Thanh Kim ba năm rồi, quê tận Phú Thọ, phải đi hai chặng xe mới về được nhà. Có năm mùng 4 Tết là phải lên trả phép rồi anh ạ. Say xe và mệt lắm nhưng vì công việc, vì học trò nên vẫn phải đúng hạn thôi”.


Do đường xá quá xa, nhiều thầy cô đã làm nhà riêng và “bám trụ” tại địa phương mình dạy học, nên có năm thay vì lặn lội về quê ăn Tết, các thầy cô ở lại ăn Tết cùng dân bản và học trò.


Ngậm ngùi quà Tết


Nếu quà Tết hay thưởng Tết đối với thầy cô giáo vùng xuôi, thành phố lớn hay những nơi có điều kiện kinh tế phát triển là chuyện bình thường như “đến hẹn lại lên” thì với thầy cô vùng cao, đó lại là những cái xa vời, chẳng ai dám nghĩ đến. Mỗi năm Tết đến xuân về, dù muốn thưởng Tết hay muốn có chút quà cho thầy cô thêm ấm lòng, vững chân về quê ăn Tết nhưng do còn nhiều khó khăn, nhà trường đành “lực bất tòng tâm”. Khi hỏi một số Hiệu trưởng ở một số trường ở vùng cao, chúng tôi được biết trước khi nghỉ Tết, quà Tết cho giáo viên đã khó huống chi lấy gì mà thưởng Tết. Nếu trường nào cố gắng lắm cũng chỉ tổ chức được một bữa liên hoan “mặn” để “tất niên” cho cả trường mà thôi. Còn kinh phí để làm quà Tết hầu như không có.

 

Những điểm trường vùng cao nơi cuộc sống của thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn.


Cô giáo Nguyễn Thị Dung quê Hà Nam dạy học ở Trạm Tấu (Yên Bái) đã 15 năm nay ngậm ngùi chia sẻ rằng từ ngày lên vùng cao công tác, chỉ biết vùi đầu vào dạy chữ cho học sinh, vận động học sinh ra lớp chứ quà Tết hay thưởng Tết thì chẳng có bởi địa phương, nhân dân và học sinh còn nghèo lắm, chẳng lấy gì mà thưởng hay làm quà. Chúng tôi gặng hỏi: “Thế chị về Tết thì mang quà gì về cho gia đình?”. Cô Dung thành thật trả lời: “Cân măng khô, ít mộc nhĩ, mấy cân gạo nếp nương”. Quà chỉ có vậy thôi theo cô Dung về xuôi ăn Tết.


Thầy Lục Tiến Vinh, Hiệu trưởng trường THCS bán trú Tân Tiến (Lào Cai) chia sẻ, chuyện không có quà Tết là rất bình thường. Mặc dù rất muốn trao quà cho giáo viên nhưng điều kiện không có nên đành chịu. Không quà Tết, không tháng lương thứ 13 hay thưởng thêm, các thầy cô ở đây đã quen điều đó rồi.


Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN