Giới hạn và đạo lý của hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại

Thực trạng việc sử dụng hình ảnh phụ nữ trong các quảng cáo thương mại hiện nay và biện pháp để sự xuất hiện đó bảo đảm sự nhạy cảm giới là nội dung của buổi toạ đàm “Hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại - Giới hạn và đạo lý” do CSAGA tổ chức chiều 1/2 tại Hà Nội.

Những cô gái mặc bikini múa may trên các chuyến bay hay có mặt tại các gian hàng bán máy điều hoà nhiệt độ; những thân hình gầy mảnh, vòng ngực “nóng bỏng”, làn da nõn nà của phụ nữ sau khi được photoshop xuất hiện trên các trang quảng cáo; những clip giới thiệu đồ gia dụng với hình ảnh phụ nữ trong vai nấu nướng, phục vụ gia đình… Đó là những hình ảnh quen thuộc của phụ nữ thường xuất hiện trong các chương trình quảng cáo thương mại hiện nay, ở cả trong nước và thế giới.

Hình ảnh phụ nữ trong trang phục bikini xuất hiện trên chuyên cơ chở cầu thủ U23 về nước khiến dư luận bất bình. Ảnh: Từ clip của CSAGA


“Một khi cơ thể người phụ nữ bị biến thành một nhục thể (vật thể nhục dục), là khi chúng ta đã phi nhân hoá cơ thể người phụ nữ, và đó là cơ sở để nảy sinh những thái độ, hành vi xúc phạm, làm đau đớn, tổn thương phụ nữ” – PGS Nguyễn Phương Mai, Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), phân tích.


Tại cuộc toạ đàm “Hình ảnh phụ nữ trong quảng cáo thương mại - Giới hạn và đạo lý”, các diễn giả ở các lĩnh vực khác nhau: nhà hoạt động xã hội, giảng viên, nhà khoa học, doanh nhân, nhà báo... cùng người tham gia đã phân tích các trường hợp sử dụng hình ảnh phụ nữ trong các quảng cáo/ PR. Các chuyên gia và người tham dự đã thảo luận về giải pháp để sử dụng hình ảnh phụ nữ trong các quảng cáo sao cho vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng mà không có sự kỳ thị giới. Bên cạnh đó là những nội dung liên quan khung pháp lý đảm bảo sự nhạy cảm giới trong các sản phẩm quảng cáo tại nước ta hiện nay.

Không hiếm gặp các quảng cáo sử dụng hình ảnh khiêu gợi của phụ nữ. Ảnh: Từ clip của CSAGA


Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga- cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông- khẳng định: Người làm truyền thông với vai trò dẫn dắt, cần có tư duy hành nghề đảm bảo tính chuyên nghiệp và đạo đức. Các doanh nghiệp truyền thông khi tư vấn cho khách hàng chương trình truyền thông, quảng cáo, PR cũng cần trao đổi để doanh nghiệp khách hàng xác định chọn mục tiêu “tăng doanh số đơn thuần” hay “tăng doanh số bền vững”.


Vấn đề đào tạo đạo đức trong quảng cáo cũng là nội dung được quan tâm đối với chương trình giảng dạy trong các khoa Báo chí, khoa Quan hệ công chúng của các trường Đại học. Và điều cần đặc biệt chú ý, PGS Nguyễn Phương Mai cho biết: hiện nay, xu hướng quảng cáo – marketing trên thế giới đã có sự điều chỉnh. Ví dụ tiêu biểu là hãng Nike đã tăng 15% lợi nhuận sau khi tôn vinh những cơ thể tự nhiên của phụ nữ, còn hãng Dove chỉ trong 2 tuần đã tăng doanh số từ 2,5 tỷ USD lên 4 tỷ USD khi đưa ra quảng cáo có sử dụng những người mẫu là người bình thường, với các chỉ số thông thường…

Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Vietjet bị phạt 40 triệu đồng vụ người mẫu bikini trên chuyên cơ chở đội tuyển U23
Vietjet bị phạt 40 triệu đồng vụ người mẫu bikini trên chuyên cơ chở đội tuyển U23

Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) với mức phạt 40 triệu đồng theo điểm c, khoản 6, Điều 22 (Quyết định số 01/QĐ-XPVPHC ngày 29/1/2018 của Chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam) vì lý do tổ chức sự kiện chúc mừng đội bóng đá U23 trên chuyến bay VJ7269 ngày 28/1/ 2018 và không xin phép Cục Hàng không Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN