Sau hơn 1 tháng triển khai phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”, số lượng “vùng xanh” trên địa bàn thành phố đã được cải thiện đáng kể, tiêu biểu phải kể đến phong trào trên quê hương “đất thép thành đồng” - huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
"Vùng xanh" tiêu biểu
Tham gia công tác chống dịch 24/24 giờ tại Trạm Y tế xã Phạm Văn Cội cùng 7 anh chị em đồng nghiệp, bác sỹ Lê Thị Cúc, Trưởng trạm cho biết, niềm vui lớn nhất của chị là “nhận được càng ít cuộc gọi càng tốt”. Chị Cúc giải thích, một trong những nhiệm vụ chính của Trạm là trực điện thoại, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tư vấn sức khỏe cho người dân trong và ngoài xã liên quan đến COVID-19 và các vấn đề y tế khác.
“Lúc đầu, người dân rất hoang mang, có triệu chứng ho, cảm cúm thông thường sẽ nghĩ ngay đến COVID-19. Khi đó, điện thoại của chúng tôi nóng ran, chuông reo liên tục. Anh em phải cùng nhau nghe thận trọng, giải thích kỹ càng về yếu tố dịch tễ để người dân hiểu đúng, bình tĩnh, có hướng xử lý phù hợp. Đến nay, số cuộc gọi ít hơn hẳn so với trước đó, tôi cũng thấy mừng vì có nghĩa, người dân đã hiểu hơn, xã cũng đã an toàn hơn”, bác sỹ Cúc chia sẻ.
Tương tự bác sỹ Cúc, anh Ngô Nhựt Nam, Chỉ huy trưởng Quân sự UBND xã Phạm Văn Cội luôn túc trực ở chốt trên đường liên xã Bùi Thị Điệp 501. Không quản ngại nắng nóng, bộ đồ bảo hộ kín mít, anh Nam tích cực cùng các thành viên trong Tổ chốt luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. “Không chỉ kiểm tra quy định chống dịch, chúng tôi còn phải giải thích, động viên cho những người chưa hiểu, còn ra đường không có lý do chính đáng. Đa số người dân đều hiểu, thông cảm và động viên anh em công an, quân sự làm nhiệm vụ ở 6 chốt trên địa bàn toàn xã, đảm bảo an toàn cho người dân “vùng xanh”, anh Ngô Nhựt Nam chia sẻ.
Được biết, xã Phạm Văn Cội là một trong những địa phương đi đầu huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trong phong trào xây dựng các chốt bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Theo ông Trần Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Cội cho biết, hiện toàn xã có 5 ấp với khoảng 10.000 người dân, trong đó có hơn 20 khu nhà trọ cho công nhân. Xác định rõ nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan vào địa phương, sau khi ghi nhận ca mắc cuối cùng vào giữa tháng 7, cấp ủy, chính quyền xã cùng nhau thống nhất các giải pháp để triển khai việc xây dựng và bảo vệ “vùng xanh” an toàn.
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Cội cho biết, nhiệm vụ huy động người dân đồng lòng tham gia là một trong những giải pháp được xác định có vai trò tiên phong, quyết định thành công của phong trào. Do đang thực hiện giãn cách xã hội, không thể đến từng nhà vận động, các lực lượng quyết định vận động trực tuyến, thông qua các nhóm người dân của từng tổ, ấp, nhóm của các ngành, đoàn thể…
Tại đây, mỗi cán bộ được giao làm nhiệm vụ tuyên truyền thông tin chính thống về quy định phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”; cách xử lý khi có các triệu chứng mắc COVID-19; khuyến khích mỗi người thực hiện thông điệp 5K... Cùng với việc tuyên truyền qua loa phát thanh của xã, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã... cũng phát động phong trào “Nói không với việc ra đường không cần thiết” để mọi người dân cùng hưởng ứng.
Không chỉ huy động sự vào cuộc của người dân, ông Trần Thanh Nam cho biết, các lực lượng trong xã Phạm Văn Cội còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch để kịp thời xử lý những nơi thực hiện chưa đúng, chưa nghiêm hay hiện tượng “chặt ngoài, trong lỏng”. Ngoài ra, các Tổ phòng, chống COVID cộng đồng tiếp tục phát huy vai trò “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để đảm bảo an toàn từng tổ, ấp được giao phụ trách; rà soát các đường mòn do người dân tự phát; tặng quà cho các hộ gia đình gặp khó khăn do đại dịch…
“Rất may mắn, sau khi phát động, phong trào bảo vệ “vùng xanh” đã nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cả thống chính trị và nhân dân. Mọi người đều coi đây là trách nhiệm và quyền lợi của mình, hưởng ứng tham gia tích cực”, ông Trần Thanh Nam cho biết.
Được biết, trước khi triển khai mô hình “vùng xanh” an toàn, toàn xã Phạm Văn Cội đã thực hiện lấy mẫu đại diện hộ gia đình (những người thường xuyên đi làm, đi chợ hoặc có nguy cơ cao…) để xét nghiệm mẫu gộp theo phương pháp Realtime RT-PCR. Hiện nay, những người đi làm ở khu vực ngoài xã, bắt buộc phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị, có giấy xét nghiệm nhanh còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Những người nơi khác vào xã, các lực lượng đưa về Trạm Y tế xã để xét nghiệm nhanh, khi có kết quả âm tính, bắt buộc phải cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người và phải xét nghiệm lại theo quy định. Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của toàn xã đạt khoảng 90%, mũi 2 đang ưu tiên dành cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch.
“Với mục tiêu ngày càng giữ chặt “vùng xanh”, trong thời gian tới, xã Phạm Văn Cội sẽ triển khai việc lấy mẫu đại diện hộ gia đình để xét nghiệm theo phương pháp Realtime RT-PCR nhằm sàng lọc diện rộng tại những nơi có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn trong toàn xã. Đã 29 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, tín hiệu rất đáng mừng trong cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 lần này”, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Cội cho biết.
Quyết tâm cao nhất, không để dịch bệnh xâm nhập
Theo thông tin từ UBND huyện Củ Chi, trong đợt dịch lần thứ 4 (tính từ ngày 27/4 đến nay), toàn huyện ghi nhận hơn 3.500 ca mắc COVID-19. Qua đánh giá có 2/21 xã thuộc vùng nguy cơ rất cao; 4/21 xã thuộc vùng nguy cơ cao; 4/21 xã, thị trấn thuộc vùng có nguy cơ. Đáng chú ý, Củ Chi là một trong những địa phương đi đầu toàn thành phố với 11/21 xã “vùng xanh” an toàn (chiếm khoảng 52% tổng số xã trên toàn huyện), bao gồm: An Nhơn Tây, An Phú, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Phạm Văn Cội, Phú Mỹ Hưng, Thái Mỹ, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh, Tân An Hội và Trung Lập Hạ.
Chị Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, đến nay toàn lực lượng đã thực hiện đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch. Song song với công tác phát hiện và xử lý những ca mắc mới và các ổ dịch liên quan, huyện Củ Chi đã nỗ lực hưởng ứng, triển khai phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”, tích cực bảo vệ các “vùng xanh” an toàn, quyết tâm cao nhất, không để dịch bệnh xâm nhập.
Theo đó, UBND huyện Củ Chi đã thành lập 16 chốt kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 (8 chốt cấp huyện và 8 chốt cấp xã). UBND các xã, thị trấn thành lập 143 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực giáp ranh giữa các đơn vị nhằm kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân thành lập 66 tổ công tác kiểm tra lưu động. Các lực lượng đã tổ chức tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch tại các xã, thị trấn; tập trung kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, doanh nghiệp; đảm bảo người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
“Đến nay, huyện Củ Chi đã có 11/21 xã là “vùng xanh” an toàn và tiếp tục mở rộng đến các “vùng vàng” - những xã có nguy cơ lây nhiễm cao. Điều đáng quý nhất khi triển khai mô hình “vùng xanh” là người dân không chỉ tích cực hưởng ứng mà còn cùng chính quyền tham gia công tác an sinh xã hội, chia sẻ lương thực, thực phẩm với những người đang thiếu thốn, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này”, chị Phạm Thị Thanh Hiền cho biết.
Đối với những người đi làm xa có mong muốn trở về quê, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi yêu cầu các địa phương phải lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện ca dương tính, để cách ly tại khu tập trung, sau đó theo dõi sức khỏe y tế tại nhà để tránh lây lan trong cộng đồng. Đối với các xã “vùng đỏ” - nơi có nguy cơ rất cao, các lực lượng siết chặt các biện pháp nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Tại đây, các lực lượng liên tục xét nghiệm Realtime RT-PCR để tách dần F0 ra khỏi cộng đồng; kết nối với các doanh nghiệp để nắm thông tin người lao động trở về địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời như chuẩn bị xe đưa đón, phương án xét nghiệm, cách ly…
Để tiếp tục mở rộng, giữ chắc các “vùng xanh”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhấn mạnh: “Phát huy tinh thần của quê hương “Đất thép thành đồng” trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân và chính quyền toàn huyện kiên cường trong cuộc chiến chống giặc COVID-19 lần này. Phải có sự tham gia, hưởng ứng của người dân, chúng tôi mới có thể bảo vệ chặt các vùng đã an toàn; từ đó, toàn huyện sẽ sớm siết chặt các “vùng đỏ” để đẩy lùi dịch bệnh”.