Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc ITPC cho biết, sau hơn 2 năm đại dịch với nhiều khó khăn, TP Hồ Chí Minh ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài; trong đó có các doanh nghiệp châu Âu vào sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngược lại, chính quyền thành phố cũng nỗ lực trong các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Hiện thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn. Song song đó, thành phố cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết từng vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển - bà Vân chia sẻ.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, những năm qua các doanh nghiệp châu Âu luôn nằm trong nhóm những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, tham gia vào nhiều lĩnh vực quan trọng từ công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ , dịch vụ, thương mại đến tài chính. Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động Việt Nam, doanh nghiệp châu Âu cũng tích cực trong việc đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề cho lao động tại chỗ.
Tuy nhiên, do yêu cầu đặc thù, vẫn có những vị trí việc làm yêu cầu đội ngũ chuyên gia, người lao động nước ngoài đảm nhận. Do đó, việc đề đáp ứng nguồn lao động cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để lao động nước ngoài có thể đến Việt Nam làm việc một cách thuận lợi.
Bà Đặng Tuyết Vinh, Phòng Chính sách EuroCham cho biết, thời gian qua nhiều vướng mắc, bất cập về việc thực hiện các thủ tục hành chính đã được chính quyền TP Hồ Chí Minh giải đáp, tháo gỡ, kể cả vấn đề về giấy phép lao động. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp mới giấy phép lao động mới, cấp lại giấy phép…
Cụ thể, vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp gặp phải là thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài. Vấn đề thẩm định, cấp phép cho người lao động nước ngoài theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam rất chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ lên đều được trả lại để bổ sung.
Theo luật, cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng và trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các doanh nghiệp thành viên, thực tế các công ty cần 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động, cá biệt có vài công ty mất đến 4 tháng.
Do đó, EuroCham đề xuất rút ngắn thời gian cấp Giấy phép lao động và hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong các trường hợp để doanh nghiệp thực hiện. Theo đó, tránh được việc sửa hồ sơ nhiều lần dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi làm thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia khi trang web này thường xuyên gặp lỗi và mất rất nhiều thời gian để được tiếp nhận (2 - 3 tuần). Trong trường hợp hệ thống lỗi không nhận được hồ sơ hoặc hồ sơ treo quá lâu, cán bộ yêu cầu hồ sơ nộp lại cần tiếp tục đợi trong khoảng 2 - 3 tuần để được nhận thông báo tiếp nhận từ hệ thống.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn phía cơ quan chức năng của thành phố cải tiến về quy trình nộp hồ sơ online, hạn chế lỗi và cải tiến thời gian tiếp nhận hồ sơ; đề xuất chấp nhận nộp hồ sơ trực tiếp như trước đây hoặc được mang hồ sơ gốc lên nộp trực tiếp ngay sau khi đã nộp online và có mã số biên nhận online.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng người lao động nước ngoài tăng cao, ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đăng ký vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc, cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày. Đồng thời, Sở cũng rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với hai thủ tục gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trong thời gian sắp tới.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, việc triển khai cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, quản lý lao động nước ngoài của doanh nghiệp cơ bản đã thực hiện tốt. Những vấn đề doanh nghiệp phản ánh cần nêu thông tin cụ thể để Sở có căn cứ rà soát và trả lời. Nếu việc xử lý hồ sơ kéo dài hơn thời gian được công bố xuất phát từ các công chức trực tiếp nhận hồ sơ, Sở sẽ xử lý dứt điểm. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận vẫn còn một số doanh nghiệp khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa đảm bảo khi chuẩn bị hồ sơ liên quan đến giấy phép lao động, cụ thể như việc giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp, hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng… Ngoài ra, một số trường hợp thể thức trình bày văn bản chưa đảm bảo quy định, thiếu thông tin, thông tin chưa chính xác, tẩy xóa nhiều, hồ sơ nộp trực tuyến và hồ sơ giấy chưa thống nhất...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục cải thiện quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng như ứng dụng số hóa thủ tục hành chính và luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam.
"Tuy nhiên, Sở mong muốn doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các quy định chung, phối hợp với cơ quan chức năng để cập nhật thông tin, phản ánh vấn đề kịp thời, trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng phát triển" - ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ thêm.