Di dời khẩn cấp người dân
Các địa phương đã tổ chức di dời hơn 640 hộ dân trong tổng số gần 2.800 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn (các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối; theo diễn biến lũ, các địa phương sẽ chủ động triển khai phương án di dời). Tại các địa điểm sơ tán đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện sinh hoạt cũng như thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân. Các ngành, địa phương đã huy động nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý mọi tình huống theo các phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến theo phương châm “4 tại chỗ” và các phương án phát sinh do mực nước trên hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục lên nhanh.
Công an tỉnh Hà Nam thành lập 6 tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở, huy động trên 800 chiến sĩ công an đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và tham gia hỗ trợ ứng phó, khắc phục ảnh hưởng thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam huy động hơn 220 cán bộ thường trực, hơn 970 dân quân, 8 xe ô tô, 1 xuồng ST660 tham gia hỗ trợ ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ tại hai huyện Lý Nhân và Thanh Liêm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã thực hiện chống tràn hơn 2.600m đê, kè và 800/900m bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn; thực hiện hoành triệt 12 cống qua đê sông con, 14 cống qua đê bối có nguy cơ mất an toàn; tiến hành xử lý giờ đầu sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu đê Hữu Hồng tại K154,258 đến K154,280.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, đến 7 giờ ngày 11/9, lũ trên sông Đáy đã vượt báo động 3 (4,93m tại Phủ Lý); lũ trên sông Hồng sắp đạt báo động 3 và tiếp tục lên cao.
Hệ thống công trình đê điều tại Hà Nam đã ghi nhận các sự cố, hiện tượng như: tuyến kè bờ Hữu sông Đáy đoạn từ cầu Hồng Phú đến cầu Châu Sơn nước đã tràn qua cao trình đỉnh kè; đê bối Phù Vân trên địa bàn xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý xảy ra sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài khoảng 20m; trên tuyến đê bối Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng xả ra tràn với chiều dài 20m; trên tuyến đê bối Hồng Lý, cống tưới trạm bơm Hồng Lý, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân có hiện tượng rò nước; sạt trượt mái đê thượng lưu đê Hữu Hồng tại K154,258 đến K154,280 thuộc địa bàn xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân… Hiện nay, do mực nước sông lên cao, theo quy trình vận hành, nhiều trạm bơm của các Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam và Bắc Nam Hà đã dừng hoạt động.
Không để người dân thiếu đói
Cũng trong ngày 11/9, UBND tỉnh Hà Nam ban hành công văn số 1808/UBND-NNTNMT chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo công văn, mực nước các sông tại Hà Nam tiếp tục lên cao do ảnh hưởng của mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện. Lúc 1 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại trạm thủy văn Phủ Lý là 4.81m (trên báo động 3 là 0.81m), mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hưng Yên là 6,76m (dưới báo động 3 là 0,24m).
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở; tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục ngay các nhà ở của dân, lớp học bị hư hỏng do bão gây ra; giải tỏa cây xanh gãy, đổ trên các tuyến đường; khắc phục kịp thời các sự cố về điện, nước sạch, viễn thông,… để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ, ngập lụt.
Các sở, ngành, địa phương chỉ đạo vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi đã có, lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các điểm bị ngập úng; tiếp tục huy động nhân lực, vật tư khẩn trương đắp các bao tải đất, cát chống nước tràn từ các hệ thống sông, công trình thủy lợi vào các khu vực dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra; Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Các đơn vị, địa phương xây dựng phương án xử lý bảo đảm an toàn đối với các khu dân cư ven sông, khu dân cư có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở trên địa bàn tỉnh; khẩn trương di dời các hộ dân ở vùng ngập lụt về nơi an toàn để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân; chỉ đạo chuẩn bị, cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng…, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thu gom, xử lý chất thải, rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ; kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước…
UBND các huyện, thành phố, thị xã phân công các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và ứng phó với tình hình mưa, lũ, ngập lụt trên địa bàn; chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh…