Hà Nội: 3 người đầu tiên bị phạt vì ra đường không cần thiết

Sáng 5/4, UBND phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức kiểm tra xử lý các trường hợp người dân ra đường không thuộc diện được phép, qua đó ra quyết định xử phạt đối với 3 trường hợp, mỗi trường hợp 200.000 đồng.

Chú thích ảnh
Tổ công tác phường Trúc Bạch xử phạt người dân ra đường không thuộc diện được phép.

Theo lãnh đạo phường Trúc Bạch - cũng là phường đầu tiên của thành phố Hà Nội ra quân xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm ra đường trong thời gian giãn cách xã hội nếu không thực sự cần thiết - sau khi tuyên truyền, hướng dẫn người dân các quy định của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19, các trường hợp vi phạm đã chấp hành nộp phạt và cam kết thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch.

Trước đó tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội ngày 3/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: Từ ngày 4/4, các địa phương cần xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết.

Tất cả các công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa; không đơn vị nào được cắt điện, nước, dịch vụ viễn thông trong thời gian này; tất cả cơ sở lưu trú có khách nước ngoài yêu cầu phải ở nhà, không được ra ngoài...

Theo văn bản số 2601/VPCP-KGVX gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng chống dịch COVID-19, các trường hợp sau được ra đường trong giai đoạn cách ly xã hội:

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác.

b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ; gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

XC/Báo Tin tức
Yêu cầu tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết tháng 4/2020
Yêu cầu tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đến hết tháng 4/2020

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có Công điện khẩn yêu cầu tạm dừng các hoạt động trực tiếp tập trung đông người như tuyển chọn, đào tạo cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết tháng 4/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN